“Cô đang giả vờ ngây thơ à? Lúc đầu tôi nói gì cô cũng dạ vâng, tưởng cô dễ bảo chứ. Ai mà ngờ cô lại lươn lẹo thế này?”, chồng mắng tôi.
Yêu nhau hơn 1 năm vợ chồng tôi quyết định tiến đến hôn nhân. Anh hơn tôi 3 tuổi, cả hai đều có công ăn việc làm ổn định cả rồi, hai nhà lại ở cùng huyện, có điều kiện kinh tế tương đương nhau. Nói chung, chúng tôi được coi là khá môn đăng hộ đối nên bố mẹ hai bên đều đồng ý mối hôn sự này, thành ra hai đứa đến với nhau không gặp khó khăn gì cả.
Những tưởng hai bên tương đồng về tính cách, điều kiện gia đình thì cuộc sống hôn nhân sẽ khá êm ấm. Thế nhưng, cưới mới được một tháng mà vợ chồng tôi đã lục đục rồi.
Giống như nhiều cặp đôi khác, ngay sau cưới vợ chồng tôi đã ngồi lại bàn bạc một số vấn đề trong hôn nhân như quản lý tài chính như thế nào, vợ chồng cãi nhau xử lý ra sao, biếu quà cáp bố mẹ thế nào,…
Về chuyện tiền bạc, thu nhập mỗi tháng của chồng tôi là 10 triệu và tôi cũng vậy. Anh nói tiền ai người nấy giữ, mỗi tháng sẽ đóng góp một khoản để chi tiêu trong gia đình.
– Sau cưới anh muốn chu cấp cho mẹ 2 triệu mỗi tháng. Vì sống chung với bố mẹ nên hai vợ chồng mình phải đưa tiền đi chợ, điện nước phụ mẹ. Mẹ bảo bao nhiêu thì đưa bấy nhiêu, chắc khoảng 5-7 triệu, tùy xem tiền điện nước tháng đó nhiều hay ít nữa. À quên, em gái anh đang học đại học năm nhất nên mỗi tháng anh sẽ hỗ trợ nó thêm 1 triệu.
Tôi đồng ý với anh tất cả những điều đó. Sau đó, anh lại bảo tôi trả lại 3 chỉ vàng cưới mẹ chồng trao trong đám cưới với lý do mẹ đã có tuổi rồi, cho mẹ để mẹ phòng thân. Tôi nghe lời chồng, đem trả vàng cho mẹ chồng và bà cũng vui vẻ nhận lấy.
Rồi cách đây mấy ngày khi đã có hóa đơn điện nước, chồng bảo với tôi đóng tiền sinh hoạt phí cho mẹ. Anh nói tháng này tiền ăn và tiền điện nước tổng cộng là 7 triệu, nhưng do tháng đầu tôi mới về làm dâu nên mẹ chỉ lấy 5 triệu. Tuy nhiên, từ tháng sau hai vợ chồng sẽ chủ động đưa đủ cho mẹ là 7 triệu luôn.
Tôi gật gù đồng ý rồi móc ví đưa cho chồng 2 triệu rưỡi để anh đưa cho mẹ. Nào ngờ chồng tròn mắt hỏi tại sao chỉ đưa từng ấy tiền trong khi số tiền cần đóng cho mẹ là 5 triệu. Tôi thủng thẳng đáp lời:
– Thu nhập hai vợ chồng bằng nhau, lương của anh em đâu có cầm, vậy thì tiền ăn em đóng một nửa anh một nửa là hợp lý mà.
– Anh làm gì còn tiền nữa. Anh chu cấp cho mẹ 2 triệu, hỗ trợ cho em gái 1 triệu còn lại đi xã giao với bạn bè hết rồi.
Nào ngờ chồng lại nói tôi bán vàng cưới bên ngoại cho hôm đám cưới để lấy tiền chi tiêu, trả sinh hoạt phí cho mẹ. Nhưng tôi bảo anh đã trả hết cho mẹ vì tôi thấy mẹ mình cũng già rồi, cũng cần có tiền phòng thân như mẹ anh. Cho nên bây giờ chỉ còn tiền lương tháng của hai vợ chồng thôi.
– Anh bảo trả lại 3 chỉ vàng cho mẹ anh vì mẹ già rồi. Em cũng thấy mẹ em đã già nên em trả lại cho mẹ. Còn vàng của cô gì chú bác cho em, lúc mới cưới xong vợ chồng mình đã bán để mua 2 chiếc xe đạp điện cho em gái anh một cái, em trai em một cái để chúng nó đi học rồi mà.
Nghe thế, chồng nổi điên lên mắng tôi.
– Tôi chỉ nói về bên gia đình tôi thôi, tại sao cô lại làm điều đó với cả hai bên?
– Gia đình em cũng là gia đình anh mà, sao anh nói gì lạ vậy? Em thấy những lời anh nói đều hợp lý nên đều làm theo ý anh mà? Tại sao bây giờ anh lại quay sang trách em?
– Cô đang giả vờ ngây thơ à? Lúc đầu tôi nói gì cô cũng dạ vâng, tưởng cô là đứa dễ bảo chứ. Ai mà ngờ cô lại lươn lẹo thế này?
Rồi vì chuyện đó mà hai vợ chồng cãi vã, không thèm nhìn mặt nhau mấy ngày hôm nay. Tôi vẫn chỉ đưa 2 triệu rưỡi tiền ăn cho mẹ, không thêm một đồng. Cả mẹ chồng và mẹ đẻ đều khuyên tôi không nên tính toán với chồng như thế, nên nhẫn nhịn một chút để tránh ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình. Nhưng tôi đâu có sai, sao phải nhịn chứ?