Thật lòng tôi và vợ không cần bà làm gì hết nhưng ít nhất cũng nên có mặt ở nhà vào một ngày như vậy chứ?
Tôi là con trai trưởng nên từ ngày mới 16, 17 tuổi bố đã dạy tôi phải tự có trách nhiệm trong những ngày cúng giỗ. Bố từng nói đây là nét đẹp truyền thống, lúc sinh thời ông vẫn luôn chỉn chu trong từng ngày giỗ cúng gia tiên.
Có lẽ những điều ông đã dạy dỗ ăn sâu vào tư tưởng suy nghĩ của tôi. Kể từ ngày còn thanh niên trai tráng cho đến lúc lập gia đình rồi có con tôi đều cẩn thận nhớ những ngày giỗ của các cụ, không làm được mâm cao cỗ đầy thì cũng cố gắng có được mâm cơm mặn, đĩa trái cây, mấy bông hoa tươi để tỏ lòng nhớ cội nguồn.
Tôi không phải người hoàn hảo, tôi có tính cách khá gia trưởng nhưng luôn cố gắng cân đối mọi thứ để không làm ảnh hưởng đến người phụ nữ của mình. Thật may làm sao, vợ tôi luôn thấu hiểu cho chồng, bù lại tôi luôn cố gắng trở thành người đàn ông có thể chăm lo, bảo vệ được cho vợ con.
Bố tôi đã ra đi được 6 năm. Kể từ đó mỗi năm đến giỗ bố, mấy anh em dù mỗi đứa làm ăn kinh tế một nơi, thậm chí cậu út còn đang làm ăn ở nước ngoài cũng luôn sắp xếp về để đại gia đình có được một ngày đông đủ. Đây chính là tâm niệm của bố tôi khi còn sống.
Tôi luôn biết bản thân mình có chút gia trưởng nhưng tôi là người biết đúng biết sai. Sáu cái giỗ đã trôi qua, dù tôi chưa từng yêu cầu nhưng vợ tôi vẫn luôn tự cho rằng đấy là việc dâu trưởng phải làm. Cô ấy lo toan tất cả mọi việc từ việc cúng bái ra sao đến tiếp khách khứa thế nào. Bao nhiêu năm trôi qua như thế cô ấy đối nội đối ngoại đều chỉn chu từng chút một. Tôi tự biết mình phải may mắn thế nào mới gặp được một người phụ nữ như thế.
Thế nhưng cứ mỗi lần giỗ bố là một lần tôi cảm thấy tức giận và bất bình. Sự bất bình đó năm nay tôi đã quyết định không giữ trong lòng nữa mà phải nói ra. Phần vì không thể để nó tiếp tục tái diễn, phần vì tôi muốn đòi lại công bằng cho vợ mình.
Chuyện lo toan cúng giỗ bao năm nay cứ một mình vợ tôi phải làm hết. Sau này, hai đứa con của tôi chúng nó lớn lên thì liền lao vào giúp mẹ. Cúng giỗ thì đông người, mỗi người một chân một tay thì đỡ được việc chứ cứ để ba mẹ con è cổ ra làm thì cực kỳ vất vả.
Ấy vậy mà nhà cứ có việc là mẹ tôi cùng cô út sẽ rủ nhau đi chơi đâu đó, họ đi cả ngày đến bữa cơm thì về ngồi ăn như khách. Ăn uống xong xuôi là xách túi dậy ai về nhà nấy.
Thôi thì tôi cũng chẳng cần mẹ phải làm gì vì bà đã có tuổi rồi, thế nhưng ít nhất thì lên mâm cúng cho ông buổi trưa bà cũng nên ở nhà thắp cho người chồng quá cố của mình một nén hương chứ?
Đây vốn dĩ là vấn đề tế nhị nên tôi không muốn nói suốt nhiều năm nay. Bà tuy có tuổi nhưng vẫn rất khỏe mạnh. Mà kể cả nếu như bà không làm gì thì ít nhất cô út cũng nên sang giúp đỡ anh chị một chút. Đằng này bà và cô út lại biệt tăm cả một ngày trời. Đấy là chưa nói việc cúng giỗ đáng ra bà mới là người phải đứng là chỉ đạo con cháu làm mới đúng chứ?
Tôi suy nghĩ rồi quyết định gọi cô út ra nói chuyện trước. Việc giỗ bố là việc chung của tất cả từng ấy đứa con chứ không riêng gì ai hết. Nếu cứ cái kiểu kệ hết đùn đẩy việc cho vợ con tôi thế này thì từ năm sau tôi sẽ chỉ làm duy nhất mâm cúng chứ không vẽ vời ra nhiều mâm mời nhiều người nữa!
Kế đó tôi ngồi xuống nói chuyện với bà dù biết chưa chắc bà đã hiểu đúng ý con cái đâu. Có khi nói xong lại chụp mũ con cái nhưng việc nói thì tôi vẫn phải nói.
Ban đầu thì vợ tôi gàn vì đằng nào bao nhiêu năm rồi vẫn vậy thì cứ để vậy đi, nói ra rồi lại thành rách việc. Thế nhưng vợ tôi càng nhún nhường biết trước biết sau thế thì tôi lại càng phải công bằng cho vợ con.
Tôi cũng xác định luôn nếu cô út và bà có thái độ gì quá đáng hơn thì thôi từ năm sau tôi cứ đúng 1 mâm cúng bố chứ không bày vẽ ra làm khổ vợ khổ con nữa.
Tôi thật sự cũng chẳng còn cách nào vẹn cả đôi đường hơn nữa…