‘Hôm vừa rồi vợ chồng mình đi đám cưới ở xa nhờ bà trông cả cuối tuần bà không vui, rồi đề nghị mỗi tháng mình đưa cho bà mấy triệu để bà tiêu’, T. tâm sự.
Rất nhiều nàng dâu nhận thấy mối quan hệ với mẹ chồng trở nên xấu đi sau khi sinh con. Bản thân việc trở thành cha mẹ là một thử thách lớn, thay đổi rất nhiều đến cuộc sống của phụ nữ. Đặc biệt là sau giai đoạn nghỉ thai sản 6 tháng bạn phải quay trở lại làm việc.
Trong 1 diễn đàn, bà mẹ bỉm sữa K.T tâm sự 1 cách bế tắc: “Mình mới đi làm lại được 2 tháng mà muốn trầm cảm. Nhờ mẹ chồng ở quê lên chăm con. Lúc đầu bà không thoải mái bảo còn phải lo ruộng vườn, cơm nước cho ông (ông 65 tuổi vẫn đi làm ao cá). Sau vợ chồng mình năn nỉ mãi bà mới lên. Bà chăm cháu thì toàn theo ý bà, có nói bà lại bảo ‘Tao nuôi 3 đứa con khỏe mạnh, thông minh thành đạt có sao đâu’. Hôm vừa rồi vợ chồng mình đi đám cưới ở xa nhờ bà trông cả cuối tuần bà không vui, rồi đề nghị mỗi tháng mình đưa cho bà mấy triệu để bà tiêu. Nghĩ mà chán!”.
Ảnh minh họa
Đây là câu chuyện không quá hiếm, đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu rõ nguyên nhân tại sao mẹ chồng đề nghị con dâu, con trai trả tiền để bà chăm sóc cháu nội. Như trong câu chuyện của T., mẹ chồng cô không có lương hưu, lại không có khoản tiết kiệm nào và bố chồng ở quê dù 65 tuổi nhưng vẫn đi làm kiếm thêm thu nhập. Thế nên hành động của bà cũng là điều dễ hiểu.
Việc bạn cần làm là lên kế hoạch cho một cuộc gặp gỡ cởi mở, trung thực và nói cho mẹ chồng biết cảm xúc của bạn một cách bình tĩnh, lễ phép và đủ trưởng thành. Cuộc nói chuyện có thể bị chệch hướng và chi phối theo dòng cảm xúc. Vì thế cần tránh để nó không biến thành 1 cuộc cãi vã lưu ý 3 yếu tố:
– Đừng cho rằng mẹ chồng bạn sẽ phản ứng tiêu cực khi cuộc nói chuyện còn chưa bắt đầu.
– Nói cảm giác của bạn mà không cần biện minh bất cứ điều gì. Ví dụ: “Con cảm thấy mẹ đã hiểu sai ý con” thay vì “Con không yêu cầu mẹ làm cái này cái kia”. Bằng cách thứ nhất, bạn mời mẹ chồng mình tham gia một cuộc thảo luận mà khiến bà không chuẩn bị 1 tâm thế phòng thủ.
– Nhấn mạnh những gì bạn làm chứ không phải những gì bạn không làm.
Nhưng quan trọng hơn cả là chính bạn phải hiểu vấn đề 1 cách khách quan. “Dành thời gian bên cháu” và “chịu trách nhiệm chăm cháu” nó hoàn toàn khác nhau. Bởi nuôi con là trách nhiệm của bố mẹ chứ không phải ông bà hay 1 ai khác.
Người lạ đủ điều kiện hoặc người thân yêu thương – Bạn sẽ chọn đối tượng nào? Hãy nhớ rằng, việc thuê một người trông trẻ có trình độ có thể tốn chi phí và còn không đảm bảo an toàn. Còn nhờ mẹ chồng, mỗi ngày trôi qua, vợ chồng bạn sẽ bớt lo lắng và thoải mái hơn khi bước về nhà nhìn thấy cả bà cả cháu bên nhau.
Ảnh minh họa
Hơn nữa, người đang trông nom và chăm sóc con bạn cũng là người đã nuôi nấng chồng bạn. Nếu thuê người ngoài, họ chỉ làm đúng và đủ (có thể không) với số lương họ được nhận, còn mẹ chồng – bà làm vì tình thương yêu dành cho con cháu. Chưa kể, đêm hôm trẻ con hay quấy khóc cũng không có bà nội nào ngủ ngon mặc kệ cháu với bố mẹ nó được.
Hầu hết ông bà không mong đợi được trả tiền cho việc trông trẻ, tuy nhiên, việc họ được nhận 1 khoản tiền là hoàn toàn hợp lý (có thể dưới hình thức biếu, bù đắp). Chăm sóc một đứa trẻ là một công việc toàn thời gian không chỉ dừng lại ở 8 tiếng. Cho chúng ăn, thay quần áo và luôn để mắt đến đứa trẻ không phải là nhiệm vụ dễ dàng, đặc biệt là ở tuổi già.
Những bất đồng ý kiến, quan điểm giữa 2 thế hệ là điều hoàn toàn bình thường. Thay vì bực tức, kìm nén uất ức trong lòng, bạn có thể tâm sự với chồng, với chính mẹ chồng để khéo léo nói ra suy nghĩ của mình. Đừng nghĩ mất tiền thuê người ngoài trông con bạn có thể thoải mái sai bảo người ta còn mẹ chồng thì không. Bạn có trả lương cao đến mấy thì người ngoài cũng không bao giờ chăm con bạn bằng tình yêu thương như bà chăm cháu.
Thế nên, ngay từ khi có ý định nhờ mẹ chồng, chuẩn bị sẵn tâm lý, tư tưởng, đặc biệt là chủ động bù đắp cho bà về mặt kinh tế. Còn không, hãy tự tay chăm con và đừng than vãn!