Vui mừng, phấn khởi là tâm trạng chung của nhiều giáo viên trên cả nước trước thông tin được giữ lại khoản phụ cấp thâm niên từ 1.7.2024.

Không cắt bỏ phụ cấp thâm niên từ 1.7.2024, giáo viên cảm thấy hài lòngPhụ cấp thâm niên có nhiều ý nghĩa với giáo viên. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Khoản phụ cấp mang nhiều ý nghĩa

Phụ cấp thâm niên là khoản tiền trả cho người lao động làm việc liên tục nhiều năm trong một cơ quan ở một lĩnh vực nhất định. Với giáo viên, khoản phụ cấp này được quy định tại Nghị định 77/2021/NĐ-CP. Mức lương và cách tính tiền phụ cấp thâm niên giáo viên như sau:

Nhà giáo tham gia giảng dạy giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

Công tác ở vùng khó khăn của tỉnh Tuyên Quang, cô Đỗ Thị Thu Nga – giáo viên Trường THPT Tháng 10 – vẫn nhớ như in khó khăn từ những ngày mới chập chững vào nghề. Cô Nga chia sẻ: “Cơ sở vật chất thiếu thốn, điều kiện của học sinh còn nghèo, nhiều em bỏ học giữa chừng, theo bố mẹ đi làm. Khó khăn là vậy, nhưng với đam mê, nhiệt huyết với nghề chúng tôi đã khắc phục hết những gian khổ”.

20 năm trôi qua, cô Nga vẫn nhiệt huyết bám trụ với nghề, mang con chữ đến với con em đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, với nữ giáo viên, khoản phụ cấp thâm niên chính là sự ghi nhận những đóng góp của cô cho ngành Giáo dục. Trước thông tin tiếp tục giữ phụ cấp thâm niên, cô và các đồng nghiệp đều bày tỏ niềm hạnh phúc.

“Tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo là chính sách rất nhân văn dành cho giáo viên. Khoản phụ cấp này vừa góp phần cải thiện cuộc sống vừa mang ý nghĩa động viên lớn” – cô Nga bộc bạch.
hMột tiết học của cô Nga và học trò. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Mong chờ lương tăng từng ngày

Là giáo viên trẻ nhưng cô Nguyễn Thị Mỹ Duyên – giáo viên Trường PTDT Nội trú THCS Thuận Bắc (Ninh Thuận) – vẫn bày tỏ niềm vui khi phụ cấp thâm niên được giữ lại. Theo nữ giáo viên, khoản phụ cấp này không chỉ có ý nghĩa với nhà giáo lâu năm mà còn truyền động lực cho những người trẻ.

“Phụ cấp thâm niên được tính dựa trên số năm công tác của một giáo viên. Những cống hiến của thầy cô phần nào được thể hiện qua khoản phụ cấp này nên việc giữ lại chế độ phụ cấp là hợp lý. Bên cạnh đó, phụ cấp thâm niên cũng là động lực lớn cho giáo viên trẻ như chúng tôi bám trụ với nghề” – cô Duyên chia sẻ.

Hiện các giáo viên rất mong chờ tới ngày thực hiện tăng lương cơ sở. “Giáo viên còn gặp nhiều khó khăn, chi tiêu phải tính toán chặt chẽ. Tăng lương cơ sở sẽ là nguồn động lực lớn. Không còn vướng mắc về cơm áo gạo tiền, nhà giáo có thể toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp trồng người” – cô Duyên kỳ vọng.

Bên cạnh chính sách tiền lương, cô Nguyễn Thị Huyên – Tổng phụ trách Đội, Trường THCS 1 xã Hoà Thắng (Lạng Sơn) – cho biết, việc tăng lương cần đi kèm với bình ổn giá cả.

“Hiện nay, vật giá leo thang rất nhanh, từ những thứ bình dân như bó rau, lạng thịt cho tới thứ lớn hơn như giá nhà, giá đất… Thậm chí lương tăng còn không đuổi kịp giá cả tăng.

Đây là vấn đề rất lớn, gây ảnh hưởng tới toàn thể người lao động. Vậy nên, rất mong Nhà nước có những biện pháp cụ thể giải quyết tình trạng này để chính sách tăng lương phát huy tối đa hiệu quả” – cô Huyên bày tỏ.