Bà Trần chia sẻ, trước kia, vợ chồng bà thường thiên vị con trai hơn. Sau này, đến nhà con trai chăm cháu, bà phải làm đủ mọi việc nhà, thậm chí phải góp tiền sinh hoạt, nhưng con trai và con dâu lại không đối xử tốt với bà, đặc biệt là con dâu, nói chuyện với bà luôn to tiếng. Vậy nên vợ chồng bà quyết định sẽ quan tâm, giúp đỡ con gái nhiều hơn vì con gái bà luôn rất hiếu thảo.
Bài viết đăng tải trên diễn đàn Toutiao (MXH của Trung Quốc) gây chú ý khi chia sẻ câu chuyện của bà Trần:
***
Tôi họ Trần, năm nay tôi 65 tuổi. Tôi có một con trai và một con gái, vợ chồng tôi từng có phần hơi thiên vị, dành nhiều tâm huyết hơn cho con trai. Tôi từng có suy nghĩ rằng, con gái lớn lên sẽ đi lấy chồng, có gia đình riêng rồi đa phần sẽ không thể lo cho cha mẹ được như con trai nữa, để tuổi già có cuộc sống tốt hơn nên tôi thiên vị con trai hơn.
Khi con trai tôi kết hôn, vợ chồng tôi đã bỏ ra 400.000 NDT (khoảng 1,4 tỷ đồng) để mua nhà cưới, chi tiêu trước và sau đám cưới cũng khoảng 200.000 NDT (khoảng 700 triệu đồng). Đến lượt con gái thì chúng tôi không còn nhiều tiền nữa, chỉ cho 100.000 NDT (khoảng 350 triệu đồng) làm của hồi môn.
Con gái tôi không hề bất mãn với việc chúng tôi đối xử không công bằng như vậy, con vẫn rất hiếu thảo. Con gái thích mua sắm trực tuyến, một số đồ dùng sinh hoạt trong nhà đều do con mua trên mạng, không chỉ mua cho gia đình mình mà còn mua cho chúng tôi. Con gái mua cho chúng tôi mọi thứ từ tủ lạnh, máy giặt đến kem đánh răng, bàn chải đánh răng và sữa tắm.
Ảnh minh họa.
Mỗi lần về, con gái sẽ xem xét từ trong ra ngoài nếu thấy chúng tôi thiếu thứ gì, con sẽ mua và mang đến tận nhà cho chúng tôi. Mỗi năm, con gái đều chuẩn bị quà cho chúng tôi vào dịp sinh nhật, Ngày của Cha và Ngày của Mẹ, không năm nào bỏ sót. Người ta nói con gái chính là chiếc áo bông nhỏ của bố mẹ. Câu nói này thật sự rất đúng, con gái luôn chu đáo, ân cần khiến chúng ta cảm thấy đặc biệt ấm áp.
Con trai chúng tôi, người luôn được chúng tôi thiên vị, lại không hề hiếu thảo chút nào. Sau khi có cháu trai, tôi đến nhà con trai giúp chăm cháu. 3 năm chăm cháu thực sự là những năm mệt mỏi nhất mà tôi từng có, không chỉ chăm cháu, tôi phải làm mọi việc nhà như dọn dẹp, giặt giũ, nấu nướng…
Không chỉ vậy, tôi còn phải đóng góp chi phí sinh hoạt. Tôi thường có thói quen ghi chép chi tiêu, có lần tôi đã thống kê chi phí ở nhà con trai, tổng cộng tiêu hết khoảng 140.000 NDT (khoảng 489 triệu đồng).
Tôi âm thầm làm mọi việc, nhưng con trai và con dâu lại không đối xử tốt với tôi. Đặc biệt là con dâu, nói chuyện với tôi luôn rất to tiếng, cảm giác như đang quát mắng vậy, trước mặt con dâu, tôi không dám nói to. Nếu tôi không làm tốt việc gì đó, con dâu sẽ tức giận với tôi. Con dâu thật sự chưa bao giờ coi tôi là bậc trưởng bối, nếu không thì không thể đối xử với tôi như vậy.
Tôi thất vọng về con trai và con dâu. Chúng tôi còn chưa quá già, sức khỏe không có vấn đề gì, mà con dâu đã có thái độ như vậy. Nếu một ngày nào đó vợ chồng tôi cần chúng chăm sóc, không biết chúng sẽ cư xử thế nào? Tôi tỉnh ngộ, không còn hy vọng con trai sẽ chăm sóc chúng tôi sau này nữa. Kể từ đó, tôi không muốn tiếp tục hỗ trợ con trai, tiền lương hưu của chúng tôi tiêu không hết thì tích lũy lại.
Chúng tôi dồn nhiều tâm huyết hơn cho con gái, dù trước đây chúng tôi thiên vị con trai hơn, nhưng con gái chưa bao giờ oán trách, đó mới là hiếu thảo thực sự, xứng đáng được chúng tôi quan tâm nhiều hơn. Vì vậy, mỗi khi gia đình con gái gặp khó khăn, chúng tôi đều cố gắng giúp đỡ, dù sao ai đối tốt với chúng tôi thì chúng tôi đối tốt lại.
Đương nhiên, việc hỗ trợ con gái chúng tôi thực hiện một cách âm thầm, không dám để con trai và con dâu biết. Vợ chồng tôi hiểu rằng, nếu con trai và con dâu biết chúng tôi chi tiền cho con gái, chắc chắn chúng sẽ làm ầm ĩ lên.
Ảnh minh họa.
2 tháng trước, con gái muốn mua nhà, căn nhà trước đây của con không rộng, vị trí cũng không tốt lắm. Bây giờ cần phải tính đến chuyện học hành của cháu ngoại nên con muốn mua một căn nhà mới.
Biết con gái tôi cần tiền để mua nhà, vợ chồng tôi đã chủ động đưa cho con gái 150.000 NDT (khoảng 524 triệu đồng). Lúc đầu, con gái không muốn nhận, nhưng chúng tôi kiên quyết đưa. Cách đây vài năm, khi con trai lấy vợ, chúng tôi đã giúp mua nhà, bây giờ con gái muốn mua nhà mà chúng tôi lại có tiền, giúp đỡ một chút cũng là điều nên làm.
Chuyện này chúng tôi vẫn giấu con trai và con dâu, nhưng sau đó chồng tôi lại nói chuyện với một người họ hàng. Kết quả là người họ hàng đó về nhà kể lại, không may vợ ông ấy là người thích kể chuyện của người khác, nhanh chóng nói với con dâu tôi.
Hôm đó tôi đang ngủ trưa, con dâu đến không bấm chuông mà gõ cửa ầm ĩ. Tôi thắc mắc, tại sao con dâu hiếm khi về thăm chúng tôi mà hôm nay lại đến? Nhưng vừa nhìn thấy vẻ mặt của con dâu, tôi đã biết việc đến gặp chúng tôi vợ chồng tôi không đơn giản như vậy.
Quả nhiên, con dâu tức giận bước vào phòng khách, vừa ngồi xuống ghế đã chỉ vào mặt tôi mắng: “Mẹ, mẹ lẩm cẩm rồi sao? Em gái mua nhà có phải mẹ cho 150.000 NDT(khoảng 524 triệu đồng) không? Em gái đã lấy chồng rồi, sau này chúng con mới là người nuôi dưỡng bố mẹ, nên tiền của bố mẹ cũng phải là của chúng con. Sao mẹ lại giấu chúng con cho em gái nhiều tiền như vậy? Vợ chồng chúng con đều không đồng ý chuyện này, số tiền đó phải lấy lại, mẹ nhanh chóng hỏi em gái. Nếu họ không có tiền trả thì bảo họ viết giấy vay nợ, mỗi tháng trả dần. Nếu không, sau này con trai của con sẽ không gọi bố mẹ là ông bà nội nữa, chúng con sẽ coi bố mẹ như người ngoài”.
Ảnh minh họa.
Tôi thực sự không biết làm thế nào mà con dâu tôi lại có gan nói ra những điều này. Con dâu về nhà tôi bao nhiêu năm nay chưa từng quan tâm đến chúng tôi, bình thường về nhà đều tay không, chưa một lần mua cho chúng tôi một bộ quần áo mới. Bây giờ con còn quá đáng hơn, định nhòm ngó tiền của chúng tôi rồi.
Tôi không chịu nổi, lập tức nói lại: “Tiền của tôi, tôi có quyền quyết định, tôi muốn tiêu thế nào thì tiêu, cô có quyền gì mà can thiệp vào. Hai vợ chồng cô nên xem lại mình, tốt với các người thế nào cũng vô ích. Con gái tôi hiếu thảo như vậy, tôi giúp đỡ một chút thì sao? Còn về chuyện chăm sóc tuổi già, chúng tôi không dám trông cậy vào hai vợ chồng cô. Hôm nay tôi nói rõ rồi”.
Sau khi tôi nói xong, con dâu còn định nói thêm gì đó, nhưng lúc này chồng tôi đã về. Có chồng tôi ở đó, con dâu không dám nói thêm nữa.
Trải qua bao nhiêu chuyện, tôi cũng hiểu ra nhiều điều. Thực ra, là con trai hay con gái không quan trọng, quan trọng là lòng hiếu thảo. Ai tốt với chúng tôi thì chúng tôi sẽ tốt lại, như vậy tuổi già của chúng tôi mới có thể trôi qua một cách thoải mái hơn.