Đó không chỉ là lời hứa mà còn là quyết tâm của bạn Ngô Thị Hiền (Hà Nam), tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân, trước ngày lên Hà Nội nhập học.

Dù khó khăn, cô con gái Ngô Thị Hiền vẫn luôn quyết tâm nỗ lực học tập, làm việc - Ảnh: HÀ THANH

Dù khó khăn, cô con gái Ngô Thị Hiền vẫn luôn quyết tâm nỗ lực học tập, làm việc – Ảnh: HÀ THANH

Không chỉ là lời hứa mà còn là quyết tâm của bạn Ngô Thị Hiền (Hà Nam), tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân, trước ngày lên Hà Nội nhập học. Bố Hiền mất hồi tháng 4 năm nay sau thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư gan.

Tự dặn mình phải mạnh mẽ nhưng nhiều lúc nhớ bố quá, không kềm lòng được, cô gái lại khóc một mình. Nhưng khóc để rồi Hiền biết mình phải học và học tốt để bố dù đang ở đâu đó cũng sẽ tự hào về cô con gái nhỏ của mình.

Khó khăn thật đấy nhưng chưa bao giờ mình nghĩ đến việc bỏ học giữa chừng. Nếu khó quá mình sẽ đi làm thêm để được học, tiếp thu tri thức, hòa nhập với các bạn chứ không học sẽ bỏ lỡ những cơ hội mà chắc chắn không bao giờ lấy lại được.

NGÔ THỊ HIỀN

Học để trả “món nợ”

Thời điểm Hiền tập trung ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của tỉnh Hà Nam năm 2022 cũng là lúc bệnh tình của bố trở nặng. Con gái vừa ôn thi, vừa phụ chăm sóc bố ở bệnh viện trong sự động viên của thầy cô, gắng đạt kết quả tốt cho bố vui. Cô tân sinh viên nhớ lại lúc nhận tin mình đoạt giải nhất quốc gia môn địa lý, bạn đã ôm chầm lấy bố giữa bệnh viện, vỡ òa vui sướng.

Thế rồi bố cũng không thể chiến thắng nổi căn bệnh ung thư. Bố ra đi tháng 4 năm nay, ngay trước thời điểm con gái dồn sức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, lần vượt vũ môn quan trọng của 12 năm đèn sách.

Con gái nén nỗi nhớ bố trong lòng để tập trung ôn luyện vì chỉ có lúc học mới khiến bạn thôi nghĩ về nỗi đau vừa ập đến trong đời.

“Lúc ấy mình tự nghĩ không phải đang học cho mình nữa mà học vì bố, học để bố ở trên trời tự hào về mình”, Hiền trải lòng.

Với kết quả học sinh giỏi cả ba năm phổ thông cùng giải nhất học sinh giỏi quốc gia môn địa lý, Ngô Thị Hiền giành một suất tuyển thẳng vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Niềm vui vào trường tốp đầu cũng vơi nhanh theo gánh nặng học phí.

Bố mất, lương công nhân của mẹ vỏn vẹn hơn 3 triệu đồng, nếu có tăng ca mới được 5 triệu đồng/tháng cũng chỉ đủ trang trải chi phí trong nhà, còn tiền cho con gái đi học ở Hà Nội chưa biết xoay thế nào.

“Mình chỉ nghĩ làm sao phải phấn đấu hết sức, gắng học để sau này kiếm nhiều tiền hơn trả “món nợ” với bố, sống thật tốt, thay bố lo cho mẹ và gia đình”, Hiền kể.

Ăn mì gói vẫn thấy may mắn

Ngô Thị Hiền đặt mục tiêu ôn luyện tiếng Anh, dành sức cho việc học đạt điểm cao để ứng tuyển hồ sơ du học trong thời gian tới - Ảnh: HÀ THANH

Ngô Thị Hiền đặt mục tiêu ôn luyện tiếng Anh, dành sức cho việc học đạt điểm cao để ứng tuyển hồ sơ du học trong thời gian tới – Ảnh: HÀ THANH

Hơn một tháng ở ký túc xá, Hiền thường chọn ăn mì gói. Cô bé tân sinh viên dí dỏm kể về kế hoạch chi tiêu của cá nhân… khá dư dả: “Mỗi bữa em sẽ ăn “dư dả” hết 7.000 đồng. Thức ăn “sang chảnh” mà em lựa chọn là gói phở ăn liền”.

Nhưng khi thèm cơm quá, Hiền tự thưởng bằng cách dồn tiền lại đi ăn một phần cơm gà giá 35.000 đồng. Cô gái nói một bữa như thế bằng năm bữa ăn hằng ngày cộng lại nên nhiều khi ăn cũng thấy tiêng tiếc nhưng thi thoảng xem như tự thưởng để động viên mình học hành rồi lại quay về với mì gói.

Mà Hiền bảo như thế đã là vui rồi. Bởi trường ở gần Bệnh viện Bạch Mai, mỗi lần đi học ngang qua gầm cầu vượt bệnh viện, thấy người vô gia cư nằm đấy, cô bé nói thương lắm và nhận ra đời mình còn may mắn vô cùng. Bạn nói có thể mình không dư dả nhưng vẫn còn có bữa ăn, còn được đi học đã là may mắn hơn nhiều cảnh đời ngoài kia.

Lên Hà Nội học, Hiền chọn đi xe buýt. Bạn cũng hỏi thăm vài chỗ gần trường tìm việc làm thêm để phụ mẹ tự trang trải tiền sinh hoạt phí. Cô con gái tự biết gánh nặng của mẹ sẽ càng nặng thêm khi con đi học xa nhà.

Nên Hiền đã quyết tâm phải học tốt để ứng tuyển các quỹ học bổng, nếu được cũng san sẻ bớt gánh nặng với mẹ. Trước mắt là xin vào câu lạc bộ marketing đi theo các anh chị khóa trước để học hỏi thêm kiến thức chuyên ngành, cũng là tìm hiểu sớm về môi trường làm việc.

Gương mặt dễ mến, nụ cười tươi, người xung quanh dễ nhận ra ở cô bé ấy như luôn tỏa ra nguồn năng lượng tích cực. Vì thấy Hiền cười nhiều hơn nên có người từng hỏi sao bạn hay cười như thế.

Đáp lại, cô gái nhỏ nhắn nhẹ nhàng: “Gặp chuyện buồn, mình nên giấu riêng mình vì không muốn truyền năng lượng xấu đến người khác. Cuộc đời ngắn ngủi lắm, sao phải buồn nhiều, cứ tươi vui, lạc quan mà sống để vượt qua khó khăn”.

Mong muốn bước ra thế giới

Từ nhỏ, Ngô Thị Hiền đã ước mơ được bước ra ngoài nhìn ngắm thế giới. Cô bạn luôn tự nghĩ thế giới này rộng lớn như thế mà mình nhỏ bé, nếu chỉ ở yên một chỗ sẽ làm cho tầm nhìn bị hạn hẹp.

Lựa chọn học ngành marketing, Hiền đặt mục tiêu ôn luyện tiếng Anh, dành sức cho việc học đạt điểm cao để ứng tuyển hồ sơ du học trong thời gian tới. “Có rất nhiều người trẻ ra nước ngoài học tập, làm việc và đã quay trở về đóng góp cho đất nước, mình cũng muốn làm được như thế, được đóng góp sức lực nhỏ bé của mình cho đất nước”, tân sinh viên Ngô Thị Hiền bày tỏ.

118 tân sinh viên 19 tỉnh phía Bắc nhận học bổng

Hôm nay (25-10), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh Đoàn Hà Nam và các tỉnh, thành Đoàn phía Bắc tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 118 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 19 tỉnh, thành Đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc: Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Lạng Sơn, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc.

Tổng kinh phí chương trình hơn 1,8 tỉ đồng do Quỹ Đồng hành nhà nông (Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền), Quỹ Khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng dầu khí IDICO tài trợ.

Mỗi suất học bổng 15 triệu đồng tiền mặt, trong đó có hai suất đặc biệt (50 triệu đồng/bốn năm). Dịp này, Quỹ Khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tài trợ năm laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn còn thiếu thiết bị học tập.

Năm 2023, Quỹ Đồng hành nhà nông đã tài trợ cho chương trình 3 tỉ đồng, Quỹ Khuyến học Vinacam tài trợ 3,8 tỉ đồng. Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ hỗ trợ 50 suất học bổng tiếng Anh khóa luyện thi IELTS và Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ quà tặng ba lô cho tân sinh viên.

Học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023 dự kiến trao 1.200 suất cho tân sinh viên khó khăn cả nước với tổng kinh phí hơn 19 tỉ đồng. Mỗi suất học bổng 15 triệu đồng, trong đó có 20 suất đặc biệt (50 triệu đồng/bốn năm).