(Dân trí) – Nghệ sĩ Vân Dung chia sẻ, khán giả thường xem chị diễn hài nên khi vào một vai tâm lý, nhiều người không quen. Tuy nhiên với chị, một diễn viên chuyên nghiệp là có thể đóng được nhiều dạng vai.
Trong phim Người một nhà đang phát sóng trên VTV, nghệ sĩ Vân Dung vào vai bà Thư – một người đàn bà ham tiền, bỏ mặc con ruột. Đối với chồng, bà luôn dịu dàng, chăm sóc nhưng thực chất là một người rất ghê gớm.
Tạo hình của Vân Dung trong phim “Người một nhà” của đạo diễn Trịnh Lê Phong (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Vân Dung cho biết, chị từng làm nhiều vai bà mẹ nhưng những nhân vật ấy luôn có chút hài hước, nhẹ nhàng chứ không nặng tâm lý, cảm xúc như nhân vật Thư.
“4 bà mẹ tôi đóng trước đây như bà Diễm trong Ghét thì yêu thôi là người điệu đà, thương con. Bà Loan trong Hướng dương ngược nắng thì trẻ trung, lăng nhăng. Bà mẹ trong 11 tháng 5 ngày và Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ đều vất vả nuôi con.
Tuy nhiên, bà Thư của Người một nhà là người lạnh lùng, gai góc, có nhiều thăng trầm. Cuộc đời bà Thư bất hạnh là do bà ấy chọn như vậy. Bà mẹ này thương con nhưng không dám thể hiện ra ngoài vì sợ chồng biết. Nhân vật có sự giằng xé tâm lý chứ không “một màu” như các bà mẹ kia”, chị chia sẻ.
Nữ nghệ sĩ nói thêm, vai này nếu diễn quá một chút không được mà diễn thiếu một tí cũng không ra tính cách của nhân vật.
Vân Dung kể: “Bà Thư là người “không phải dạng vừa” nhưng bị trấn áp bởi một ông chồng kinh khủng. Với những đoạn tâm lý, tôi phải nghiên cứu kịch bản, đọc kỹ hồ sơ nhân vật, xem nên diễn thế nào, diễn ra sao cho hay”.
Khi được hỏi: “Một số khán giả lần đầu tiên thấy Vân Dung vào vai phản diện thì nói rằng, “Vân Dung chỉ nên đóng hài, đừng vào vai tâm lý”, chị nghĩ thế nào?”.
Vân Dung thẳng thắn nói: “Cái gì đã thành thói quen thì mọi người khó chấp nhận ngay, như Vân Dung đã diễn hài thì mọi người không muốn thay đổi. Phản ứng này giống những ngày đầu tôi đóng bà Loan trong phim Hướng dương ngược nắng, nhiều người cũng bảo “không quen nhìn chị diễn cảnh tâm lý, thôi về diễn hài đi”.
Vân Dung nhận định, khán giả yêu mến mình nên mới quan tâm đến các vai diễn của chị như vậy. Chị vui khi khán giả nhận xét: “Vân Dung chỉ nên đóng hài”.
“Ở Người một nhà, tất cả các vai đều có số phận, có đất diễn. Nếu không bận, tôi cũng thường ngồi xem phim và vào Facebook để đọc các comment (bình luận) của khán giả. Người diễn viên phải ở trong trái tim của công chúng thì khi thay đổi vai diễn mới được để ý”, nữ nghệ sĩ tâm sự.
Vân Dung chia sẻ thêm rằng, đạo diễn Trịnh Lê Phong khi mời vào phim đã nói vai diễn này “đo ni đóng giày” cho chị, không có lựa chọn diễn viên kíp 2. Nam đạo diễn còn sợ chị từ chối nên chưa đưa kịch bản luôn. Nhưng khi được đạo diễn kể về vai này, Vân Dung đã nhận lời luôn vì muốn mình được trải nghiệm ở nhiều dạng nhân vật.
Vân Dung tên đầy đủ là Lê Vân Dung (SN 1975) tại Hà Nội, trong một gia đình làm nghệ thuật, bố là đạo diễn, mẹ làm diễn viên. Sau đó gia đình chị chuyển lên Sơn La, rồi đến Thái Nguyên và năm Vân Dung lên lớp 2 chị cùng cả gia đình chuyển xuống Hà Nội sống.
Năm 1992, khi 17 tuổi, Vân Dung từng tham gia cuộc thi Hoa hậu Toàn quốc Báo Tiền Phong (tên cũ của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam) và lọt vào Top 15. Sau cột mốc đó, chị bén duyên với làng giải trí và trở thành diễn viên gắn bó với sự nghiệp diễn hài.
Chị bắt đầu được đông đảo khán giả Việt Nam biết đến từ khi tham gia chương trình Đời cười của Nhà hát Tuổi trẻ, tiếp đó là Gặp nhau cuối năm (Táo quân), Gặp nhau cuối tuần và Gala cười của Đài Truyền hình Việt Nam.