Gotion cho biết mục đích mua cổ phiếu VFS của VinFast nhằm thúc đẩy lợi ích chiến lược của công ty đầu tư, chứ không phải để kiếm lợi nhuận ngắn hạn.
Nikkei Asia đưa tin nhà cung cấp pin xe điện lớn của Trung Quốc Gotion High-Tech đang chịu ảnh hưởng từ việc giá cổ phiếu VinFast Auto niêm yết trên sàn Nasdaq, giảm mạnh.
Cuối tuần qua, Gotion – với 24,68% cổ phần đang lưu hành do Volkswagen nắm giữ, tiết lộ họ ghi nhận khoản lỗ đầu tư 187,3 triệu nhân dân tệ (26,4 triệu USD) trên các cổ phiếu của VinFast tính đến cuối năm ngoái.
Công ty Trung Quốc được niêm yết tại Thâm Quyến này là một nhà đầu tư nền tảng trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) bom tấn của VinFast vào tháng 8 năm ngoái. Công ty mua 15 triệu cổ phiếu VFS với giá 10 USD/cp. Mảng sản xuất xe điện của Vingroup đã tạo được tiếng vang trên thị trường chứng khoán Mỹ khi giá cổ phiếu VFS tăng vọt lên 93 USD/cp trong thời gian đầu niêm yết – đẩy vốn hóa thị trường VinFast vượt qua tất cả các nhà sản xuất ô tô toàn cầu khác ngoại trừ Tesla và Toyota Motor.
Nhưng cơn sốt nhanh chóng lắng xuống, và cổ phiếu VFS kết thúc năm ngoái ở mức 8,37 USD/cp, điều này được phản ánh trong khoản lỗ của Gotion. Tính đến phiên cuối tuần trước, cổ phiếu VinFast đã giảm xuống mức 2,52 USD/cp. Các tính toán cho thấy khoản lỗ trên lý thuyết của Gotion đã tăng lên 112 triệu USD.
Diễn biến giá cổ phiếu VFS của VinFast trong một năm trở lại đây trên Nasdaq. (Ảnh: Yahoo Finance).
Gotion cho biết trong báo cáo thường niên mới nhất của mình rằng họ đã phân loại cổ phiếu VinFast là “khoản đầu tư chiến lược không thể giao dịch” (mục đích thúc đẩy lợi ích chiến lược của công ty đầu tư, chứ không phải để kiếm lợi nhuận ngắn hạn – pv). Điều đó có nghĩa là bất kỳ khoản lỗ hoặc lãi nào phát sinh sẽ chỉ được phản ánh trong “thu nhập khác” trên báo cáo tài chính.
Quý I năm nay, tổng lỗ ròng sau thuế từ các khoản thu nhập khác của Gotion tăng lên 453 triệu nhân dân tệ. Trong kỳ, công ty lãi ròng 69 triệu nhân dân tệ, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước.
Gotion đã giải thích lý do của họ để thực hiện các khoản đầu tư cổ phần này trong một báo cáo riêng.
“Dựa trên chiến lược phát triển và phù hợp với các sắp xếp chung của ngành, công ty sử dụng các nguồn vốn của mình để kịp thời thực hiện các khoản đầu tư chứng khoán vào các lĩnh vực thượng nguồn, hạ nguồn và các lĩnh vực liên quan trong chuỗi cung ứng, nhằm đạt được thêm hiệu quả tổng hợp” ban lãnh đạo Gotion cho biết. Tiền đề chính để thực hiện các khoản đầu tư này là “kiểm soát hiệu quả rủi ro đầu tư”, họ nói thêm.
Theo thỏa thuận đầu tư mà Gotion và VinFast ký kết vào tháng 6 năm ngoái, Gotion đã đồng ý không bán cổ phiếu của VinFast “trong thời hạn 180 ngày kể từ và sau ngày hoàn tất” thỏa thuận. Khoảng thời gian đó hiện đã hết hạn.
Mặc dù vậy, Gotion vẫn chưa phản hồi ngay lập tức về cách họ định xử lý cổ phiếu VinFast trong tương lai.
Gotion đã huy động được 685 triệu USD bằng cách phát hành Chứng chỉ ký quỹ toàn cầu (GDR). Nhưng giao dịch tại Zurich diễn ra rất hạn chế, với giao dịch cuối cùng được ghi nhận vào cuối tháng 8/2023.
Trong khi đó, Gotion dường như đã thắt chặt mối quan hệ kinh doanh với VinFast, mặc dù các thông tin về điều này còn ít.
Vào năm 2022, Gotion cho biết đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với nhiều nhà sản xuất ô tô toàn cầu, bao gồm VinFast. Trong báo cáo thường niên mới nhất, công ty Trung Quốc này cho biết VinFast là một trong những khách hàng “ổn định” về pin lithium-ion của họ, cùng với Geely, Chery, Tata và Chongqing Changan.
VinFast sử dụng nguồn pin thông qua VinES – một công ty con khác của Vingroup. Công ty này lại lấy các thành phần pin từ một số nhà cung cấp thứ ba bao gồm Gotion, cùng với các đối thủ cạnh tranh Samsung SDI và CATL. Theo bản báo cáo của VinFast, VinES đang phát triển cơ sở sản xuất cell lithium thứ hai tại Hà Tĩnh “bằng sự hợp tác với Gotion”.
Gotion không trả lời yêu cầu cập nhật về dự án tại Việt Nam của Nikkei.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch VinFast kiêm Phó Chủ tịch Vingroup, cho biết tại một diễn đàn ở Hong Kong đầu tháng này rằng quan hệ thương mại vẫn đang được thúc đẩy.
Bà Thủy cho biết “Việt Nam được hưởng lợi từ chiến lược Trung Quốc + 1”, đề cập đến các công ty toàn cầu đang tìm kiếm địa điểm sản xuất thay thế ngoài Trung Quốc như một phần của nỗ lực tách rời hoặc giảm thiểu rủi ro trong ngành công nghiệp đang diễn ra. Nhưng bà nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn là một “đối tác kinh doanh tốt”.
Bên lề sự kiện ở Hong Kong, bà Thủy tiết lộ với Nikkei Asia rằng VinFast được hưởng lợi từ làn sóng phản đối ngày càng tăng đối với xe điện Trung Quốc, vì “người tiêu dùng cần một lựa chọn khác”.
Tuy nhiên, về câu hỏi về giá cổ phiếu giảm, bà đã từ chối bình luận.