Tiếng gọi của chồng tôi dưới tầng đã khiến bác Hiền giật mình nhìn ra cửa và 4 mắt chạm nhau.
Một năm nay, sức khỏe của mẹ chồng tôi yếu đi rất nhiều, bà sống một mình ở quê chúng tôi không yên tâm. Cuối cùng chồng tôi quyết định đón bà ra phố sống với con cháu.
Vợ chồng tôi đi làm cả ngày, các con đi học, không ai chăm lo chuyện ăn uống và trông nom bà được. Chồng tôi đã thuê người làm phục vụ mẹ. Một năm nay, tôi thay đến 3 người giúp việc rồi mà chưa ai phù hợp.
Người đầu tiên đến làm chăm chỉ sạch sẽ nhưng hay gắt gỏng dạy dỗ mẹ chồng tôi phải làm thế này, thế kia. Mẹ chồng là người cả gia đình tôi phải nâng niu kính nể, thế mà giúp việc lại nặng lời với bà, tôi không vừa lòng chút nào nên cho nghỉ việc ngay tháng đầu tiên.
Người thứ 2, ở trước mặt chúng tôi thì tử tế đàng hoàng nhưng sau lưng lại khác hoàn toàn. Bảo chị ta hầm yến cho bà thì uống mất một nửa, pha sữa cũng nếm thử nửa cốc. Tôi cho nghỉ sau 3 tháng làm việc.
Người thứ 3 cứ rảnh rỗi là cầm điện thoại lướt mạng, tôi góp ý thì chị ấy bảo xong việc thì chơi, còn việc gì nữa đâu mà làm. Bức xúc trước câu nói đó, tôi cho nghỉ việc luôn.
Một năm nay, tôi thay đến 3 người giúp việc rồi mà chưa ai phù hợp. (Ảnh minh họa)
3 người đã nghỉ, chồng khuyên tôi nghĩ thoáng bớt khó tính, kỹ tính quá rồi không ai dám đến làm. Tôi nghĩ bỏ ra tiền thuê người làm thì họ cũng phải tử tế đàng hoàng, chăm chỉ, không thể mang những tính xấu đi làm giúp việc được. Bởi gia chủ giao cả sức khỏe của các thành viên và gia sản cho người làm, họ phải có những đức tính tốt mới trụ lâu được. Còn người có tính cách xấu không phù hợp với nghề giúp việc.
2 tuần trước, tôi tìm được người giúp việc mới, bác ấy tên là Hiền, làm giúp việc hơn 20 năm. Năm nay bác hơn 60 tuổi, đã đến tuổi về hưu nhưng bác chưa muốn nghỉ ngơi mà cố gắng kiếm tiền lo tuổi già được an nhàn.
Qua một tuần theo dõi, tôi thấy bác Hiền làm việc chăm chỉ, gọn gàng, nói chuyện tình cảm, rất biết cách chăm sóc mẹ chồng tôi. Bác rất biết cách chọn mua đồ ăn nấu nướng khẩu vị từng bữa. Từ ngày có bác Hiền, gia đình tôi được ăn uống ngon hơn, không còn cảnh thức ăn khó nuốt khó nhai nữa.
Gia đình tôi ai cũng tấm tắc hài lòng về người làm mới. Còn tôi thì không chê bác ấy điểm gì, có mỗi một việc hơi cá nhân, đó là bác ra vào phòng của bác ấy đều khóa trái cửa.
Việc làm của bác khiến tôi có cảm giác bác ấy không tin tưởng gia đình tôi. Dường như bác đang cảnh giác cao độ với gia chủ thì phải.
Dường như bác đang cảnh giác cao độ với gia chủ thì phải. (Ảnh minh họa)
Ngày hôm kia, thấy cửa phòng bác Hiền hé mở, tôi rất ngạc nhiên, không hiểu sao bác vào phòng mà lại không chốt bên trong như mọi lần nên ghé mắt coi. Tôi choáng váng khi thấy bác cầm một chiếc hộp trên tay và đang ngồi đếm vàng.
Tiếng gọi của chồng tôi dưới tầng đã khiến bác Hiền giật mình nhìn ra cửa và 4 mắt chạm nhau. Bác ấy hoảng hốt đóng hộp vàng vào và chạy về phía tôi. Nhìn bác bối rối muốn giải thích gì đó nhưng không biết mở lời thế nào nên tôi chủ động nói trước.
“Bác tích lũy được nhiều vàng thế, bây giờ còn giàu hơn chủ nhà rồi đấy. Tại sao bác không để ở quê nhà mà đi đâu cũng phải đem theo bên mình thế này không an toàn chút nào. Ở nhà cháu rất an toàn không sao nhưng nếu làm nhà khác thì sao?”.
Bác Hiền buồn rầu nói:
“Bác có 2 đứa con trai đều lập gia đình cả rồi, bọn chúng nghèo túng nên chẳng dám gửi vàng, sợ gửi rồi sẽ không lấy lại được. Còn ông chồng tôi nghiện rượu, suốt ngày đòi tôi gửi tiền về mua rượu uống. Tôi không dám để vàng ở nhà, sợ để đâu ông ấy cũng lục lấy hết thì uổng những năm tháng vất vả kiếm tiền”.
Tôi bảo bác nhiều vàng thế nên gửi vào ngân hàng cho an toàn. Thế nhưng bác nói không quen đến ngân hàng gửi vàng, giữ trong người quen rồi. Làm ra tiền rồi giữ tiền cũng đâu phải dễ dàng.