Các nhà sản xuất kể trên lên kế hoạch sản xuất xe tại địa phương để phá vỡ thế thống trị của ô tô Nhật Bản tại thị trường này.
Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc như BYD, Neta Auto đang sẵn sàng thách thức sự thống trị của ô tô Nhật Bản tại thị trường Indonesia khi công bố kế hoạch đầu tư mới và tung ra các mẫu xe mới nhất của mình.
Nhà phát triển bất động sản Indonesia là Suryabuat Swadaya hôm 1/5 thông báo BYD sẽ xây dựng một nhà máy trị giá 1 tỷ USD trên diện tích 1,08 km vuông ở một khu đất phía tây tỉnh Java. Công ty cho hay việc xây dựng dự kiến bắt đầu vào tháng 8 và vận hành vào tháng 1/2026. Công suất của nhà máy chưa được công bố.
Eagle Zhao, chủ tịch BYD Motor Indonesia cho biết: “Chúng tôi tin tưởng việc này sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Indonesia và chuyển đổi sang năng lượng sạch”.
Là thị trường ô tô lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia có mức tiêu thụ khoảng 1 triệu ô tô vào năm 2023. Các thương hiệu Nhật Bản như Toyota, Mitsubishi kiểm soát hơn 90% thị phần nhưng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc sẽ dùng xe điện làm “vũ khí” để tấn công mạnh mẽ thị trường.
“Năm nay, Neta Indonesia cam kết tăng cường đầu tư vào Indonesia bằng cách bắt đầu sản xuất tại địa phương”, Jerry Huang, CEO của Neta cho biết. Vào tháng 11, công ty đã ký thỏa thuận với Handal Indonesia Motor để lắp ráp xe điện tại Indonesia. Việc lắp ráp dự kiến bắt đầu vào quý II năm nay.
BYD Dolphin có giá khoảng 663 triệu tại Indonesia. Mẫu xe này cũng sẽ được đưa về Việt Nam trong tháng 6 tới.
BYD mới đây đã giới thiệu mẫu hatchback Dolphin tại Indonesia và việc giao hàng dự kiến bắt đầu vào tháng 7. Mẫu xe này ban đầu sẽ được nhập từ Trung Quốc. Giá bán của nó ở mức tương đương 26.115 USD (663,5 triệu đồng), bằng một nửa so với mức giá trung bình cho một chiếc EV trên toàn cầu nhưng vẫn còn xa để đạt được mức mà người dùng Indonesia mong muốn khi mức lương trung bình của họ chỉ là hơn 3 triệu rupiah (khoảng 4,7 triệu đồng).
Trong khi đó, Neta cho ra mắt mẫu Neta V-II, có giá từ 200 triệu đến 300 triệu rupiah (315-473 triệu đồng), là mẫu xe rẻ nhất trong dải sản phẩm của hãng tại Indonesia. “Neta V-II là khởi đầu cho cam kết của chúng tôi với thị trường Indonesia và trở thành sản phẩm Neta đầu tiên được lắp ráp tại địa phương”, Huang nói với báo chí địa phương.
Tại Mỹ và nhiều thị trường khác, nhu cầu về xe điện đang chậm lại dẫn đến cạnh tranh khốc liệt về giá tại các nước như Trung Quốc, Thái Lan.
Tuy nhiên, đại diện của BYD bày tỏ sự lạc quan đối với thị trường Indonesia, cho biết nhu cầu đang tăng do người dùng và các gia đình trẻ thúc đẩy. Vị đại diện này tin rằng thị trường xe điện Indonesia sẽ tiếp tục phát triển nhờ sự thúc đẩy của chính phủ.
Neta V-II chào sana thị trường Indonesia.
Ngoài BYD hay Neta, Hyundai Motor cũng đã bắt đầu sản xuất toàn bộ sản phẩm nội địa tại một nhà máy ở Indonesia trong khi Wuling Motors cũng bắt đầu vận hành dây chuyền lắp ráp sản phẩm Air EV ở Cikarang. VinFast của Việt Nam cũng lên kế hoạch sớm mở nhà máy tại Indonesia để sản xuất xe điện. Nhà máy này có thể lắp ráp khoảng 50.000 xe điện mỗi năm.
Trong khi đó, các nhà sản xuất Nhật Bản đang theo hướng phát triển xe hybrid thay vì lập tức chuyển sang xe thuần điện.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Indonesia, doanh số bán ô tô điện chạy pin của nước này đã tăng gần 70% trong năm ngoái, từ 10.327 xe năm 2022 lên 17.051 xe năm 2023. Theo ông Zachary Mark Hollis, Giám đốc bán hàng VinFast châu Á, thị trường xe điện Indonesia có thể tăng lên 50.000 chiếc năm 2024 và có thể là 100.000 chiếc năm 2025.
Thị trường xe hybrid của Indonesia cũng đang mở rộng với doanh số tăng 5,2 lần, lên xấp xỉ 54.000 chiếc năm 2023.
Theo Nhịp sống thị trường