Câu chuyện được chia sẻ bởi lão Lưu (40 tuổi) trên Toutiao (MXH Trung Quốc) đã thu hút sự quan tâm từ cư dân mạng.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi trúng tuyển vào một trường đại học top đầu, là một trong những học sinh có thành tích tốt nhất lớp năm đó. Sau đó tôi học lên cao hơn và hiện đang làm việc tại một công ty lớn.

Vài năm trước, lớp cấp 3 tổ chức một buổi họp lớp nhân dịp nghỉ lễ. Người tổ chức nói rằng mọi thứ đã được sắp xếp chu đáo, kể cả chỗ ngồi nên mọi người chỉ việc đến ngồi theo vị trí là được.

Khi tìm thấy bảng tên và ngồi xuống, tôi không khỏi thắc mắc vị trí này được sắp xếp thế nào. Nhìn xung quanh, tôi chợt nhận ra những người cùng bàn với mình là nhóm học sinh có thành tích đứng đầu năm đó, đều đã học trường top đầu. Trong khi đó lão Triệu – một người anh em thân thiết từ thuở còn đi học với tôi lại ngồi ở bàn cuối cùng.

Chỗ ngồi trong buổi họp lớp được sắp xếp sẵn, nhân tố top đầu dứt khoát bỏ về khi biết ý nghĩa phía sau - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Ngay sau đó tôi liền nhắn tin cho bạn thân: “Lão Triệu, anh có biết người ta xếp chỗ ngồi thế nào không?”. Anh ấy liền trả lời: “Không. Tôi vốn nghĩ chúng ta sẽ ngồi cạnh nhau”.

“Nếu tôi không nhầm thì người ta dựa vào thành tích thi đại học trước đây. Người học trường tốt ngồi riêng, người học cao đẳng ngồi riêng và còn lại là những người trượt đại học. Thật hết chỗ nói!” – tôi bảo với bạn.

Đọc được tin nhắn của tôi, người bạn lập tức ngẩng đầu lên nhìn xung quanh và hiểu ra mọi chuyện. Dường như một số người khác cũng nhận ra điều này và lục đục đứng dậy rời đi. Sau khi bàn bạc cả tôi và lão Triệu cũng quyết định đi về.

Phát hiện điều này, người tổ chức hoảng hốt chạy tới hỏi han rốt cuộc có chuyện gì. Tôi không đáp mà hỏi ngược lại: “Sao anh không tự hỏi mình đã làm chuyện gì?”. Sau đó tôi không biết hôm đó có bao nhiêu người ở lại vì đã rời khỏi nhóm chat của lớp, quyết định không bao giờ tham gia các hoạt động như vậy nữa.

Chỗ ngồi trong buổi họp lớp được sắp xếp sẵn, nhân tố top đầu dứt khoát bỏ về khi biết ý nghĩa phía sau - Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

Cho đến bây giờ, lão Triệu và nhiều người khác vẫn chưa hiểu lý do tại sao người đứng ra tổ chức buổi họp lớp lại sắp xếp như vậy. Nhưng tôi lờ mờ nhận ra khi nhớ rằng anh ta cũng từng học ở trường xịn. Có lẽ anh ấy muốn duy trì cảm giác ưu việt, khẳng định vị thế tinh hoa của mình trước mặt những người bạn cũ.

Trong thực tế, ai cũng hiểu tầm quan trọng của trình độ học vấn, dù ở thời đại nào họ cũng sẽ được mọi người chú ý và nể phục. Nhưng chắc chắn đây không phải là thước đo để đánh giá sự thành công hay tài giỏi của một con người.

Chẳng hạn như lão Triệu, vì không đậu đại học nên anh ấy quyết định kinh doanh riêng. Đến hiện tại, quy mô công ty của anh ấy đã khá lớn mạnh, ngay cả tôi cũng muốn đầu quân về làm việc dưới quyền anh ấy.

Hơn nữa trình độ học vấn cũng không phải là chuẩn mực duy nhất để người ta “chọn bạn mà chơi” hay “mây tầng nào gặp gió tầng đó”. Ngoài yếu tố học vấn, mối quan hệ còn được xây dựng dựa trên cơ sở những người có cùng quan điểm, ý tưởng sẽ tạo thành một vòng tròn liên kết riêng. Trong tình huống này, ngay cả khi có cùng trình độ học vấn mà không cùng tần số khó có thể bước vào, những người bên trong có sự gắn kết bền chặt.

(Toutiao)