“Chúng tôi tưởng rằng sống gần gũi con cháu là hạnh phúc tuổi già. Song đến khi trải nghiệm, tôi mới nhận ra nhiều vấn đề phức tạp hơn thế”, ông Chu chia sẻ.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của ông Chu (70 tuổi, Nam Ninh, Trung Quốc) đang được nhiều người lan truyền trên nền tảng Toutiao.
Vợ chồng chúng tôi chỉ có 1 đứa con trai. Dẫu đặt nhiều kỳ vọng nhưng đáng tiếc nó học không quá giỏi. Do không đỗ đại học nên chúng tôi khuyên con nên học trường cao đẳng nghề.
Sau khi hoàn thành chương trình học, con trai tôi cũng sớm kết hôn. Ngay khi đó, chúng tôi mua luôn cho vợ chồng chúng một căn hộ coi như là quà cưới.
Chỉ 3 năm sau đó, vợ chồng con trai đón thêm thành viên mới. Để giảm áp lực cho các con, vợ tôi khăn gói lên thành phố để chăm cháu. Tuy nhiên, bà ấy cũng không thể ở lại thành phố được lâu bởi ruộng vườn ở dưới quê phải có người chăm. Vậy nên, chỉ ở được 1 tháng, bà ấy lại phải về.
Song cũng vì nhớ con nhớ cháu, thỉnh thoảng, vợ chồng tôi lại ngồi xe 6 tiếng để lên chơi. Riêng việc di chuyển, chúng tôi cũng mất đến gần một ngày. Nhà con trai lại không có phòng nên tôi cũng phải về sau ít ngày.
Thấy có nhiều bất tiện, đầu năm 2022, con trai đề xuất vợ chồng tôi nên bán căn nhà ở quê để mua căn hộ ngay cạnh. Không chỉ tiện cho việc hỗ trợ con cái, điều này còn tạo điều kiện để ông bà được gần con cháu hơn.
Nghe cũng hợp lý, vợ chồng tôi quyết định bán mảnh vườn ở quê được 400.000 NDT (khoảng 1,3 tỷ đồng) rồi dồn thêm tiền tiết kiệm để mua căn hộ ngay cạnh nhà con trai.
Đã quen với cuộc sống vườn cây ao cá, giờ quanh quẩn trong 4 bức tường, lại toàn hàng xóm mới, chúng tôi có chút buồn. Tuy nhiên, ngày ngày được gần gũi con cháu là niềm vui lớn với chúng tôi.
Tuy nhiên, niềm vui này không kéo dài lâu. Nhà ít người lại chưa quen chỗ mua bán. Trong tháng đầu tiên, vợ chồng con trai nói rằng chúng tôi nên sang đó ăn cơm.
Sau khi đã quen mọi thứ, vợ chồng tôi tự nấu cơm ở nhà. Cho đến lúc này, những phức tạp dần xuất hiện.
Được vài ngày chuyển ra ăn riêng, gia đình con trai lại sang nhà tôi ăn bữa tối. Lúc đầu, tôi thấy khá vui khi gia đình quây quần bên nhau. Tuy nhiên, chỉ được vài bữa, tôi nhận ra con dâu khá kén ăn, luôn đòi hỏi chúng tôi phải nấu món này món kia. Để thỏa mãn yêu cầu, chi phí ăn uống mỗi tháng của vợ chồng tôi tiêu tốn đến cả ⅔ lương hưu.
Không chỉ chuyện bữa tối, sáng nào, vợ chồng chúng tôi cũng phải sang nhà đưa đồ ăn và cho cháu trai đến trường. Thậm chí, vợ chồng tôi còn phải quét dọn, sắp xếp lại đồ đạc ở nhà con trai vì tụi nhỏ sống quá bừa bộn.
Không dừng lại ở, bọn trẻ còn thường xuyên nhờ chúng tôi đóng tiền điện, nước nhưng không thấy trả lại. Đôi khi, xuống nhà thấy cháu hết sữa, vợ chồng tôi lại chủ động mua.
Sau khoảng 1 năm chuyển lên thành phố sinh sống, vợ chồng tôi nhận ra mình chẳng để dành được khoản tiết kiệm nào. Thậm chí, lên thành phố ở, chúng tôi cảm thấy mình như người giúp việc của gia đình con trai. Từ sáng đến tối, chúng tôi hết đưa cháu đi học, lại về chuẩn bị cơm nước, rồi dọn dẹp nhà cửa.
Tưởng rằng sống gần con cháu, chúng tôi sẽ vui vẻ mà khoẻ ra. Thực tế hoàn toàn trái ngược, chúng tôi thường xuyên đau ốm do vất vả làm đủ thứ việc. Lại chẳng có hàng xóm để chuyện trò nên người lại càng sinh bệnh.
Người ngoài nhìn vào tưởng rằng được sống gần con cái là hạnh phúc. Song câu chuyện bên trong lại không màu hồng như vậy.
Sau gần 1 năm lên thành phố sống gần các con, vợ chồng tôi lại quyết định dọn về quê. Lúc này, chúng tôi mới nhận ra không phải cứ kề cận bên các con mới là hạnh phúc. Đôi khi, cuộc sống một mình lại giúp bản thân vừa được tận hưởng những khoảnh khắc hạnh phúc khi con cháu ghé thăm, vừa có không gian để an hưởng tuổi già.
Thêm nữa, mỗi cá nhân đều có lối sống riêng, mối quan hệ xã hội riêng và mục tiêu riêng trong cuộc sống. Chúng ta nên học cách cách suy nghĩ độc lập, học cách hành động độc lập và học cách sống độc lập. Thông qua đó, bạn mới có thể tận hưởng những tháng năm cuối đời một cách êm đềm, vui vẻ.
Theo Phụ Nữ Số