– Chào chị Ốc Thanh Vân, cảm xúc của chị đang như thế nào khi trở lại sân khấu kịch sau nhiều tháng vắng bóng?

Trong suốt 20 năm làm nghề, cũng có những lần mình gián đoạn rồi trở lại ví dụ như thời điểm sinh nở rồi nuôi con. Có những giai đoạn mình chủ động giảm bớt khi các con cần mẹ. Đây không phải lần đầu tiên, nhưng lần này nó rất khác. Bởi vì tôi đã có thêm cuộc sống thứ 2, thế nên, cảm giác của tôi thực sự rất mong chờ đến ngày này. Thực sự rất nhớ, những lần trước mình không bị cảm giác nhớ nhiều vì mình biết mình sẽ trở lại. Nhưng lần này cảm giác nó lạ lắm, nó không đến ngay mà nó cần thời gian để từ từ “thấm”. Khi mà nó đến, là đến một cách rất dữ dội. Thực sự rất vui vì đến hôm nay, nỗi nhớ đó đã được thoả đi rồi.

– Giữa lúc đang có sự nghiệp ổn định, lý do gì khiến chị tạm gác lại công việc để cùng con sang Úc bắt đầu cuộc sống mới?

Gia đình tôi là một gia đình thích dịch chuyển. Nếu các bạn có theo dõi thì gia đình tôi thường xuyên đi du lịch khắp nơi trên thế giới, làm bao nhiêu là để đi du lịch hết rồi. Có những thứ mà bất kỳ cha mẹ cũng muốn đầu tư cho con cái, đó là giáo dục, sức khoẻ và du lịch. Đây là 3 cái mà tôi rất quan tâm. Thế nên, việc đưa các con sang Úc là sự đầu tư của vợ chồng tôi cho các con trong hành trình mới. Đó là một sự trải nghiệm thôi, chứ không phải dịch chuyển mãi mãi. Tôi nghĩ nó phù hợp ở giai đoạn này, vì các con có rất nhiều thứ muốn khám phá ở thế giới ngoài kia. Dù đi rất nhiều, nhưng trải nghiệm sống và học tập ở một đất nước thì cũng đáng giá mà.

Tôi muốn chia sẻ để mọi người yên tâm, tôi không rời đi đâu hết. Mọi thứ của tôi vẫn ở Việt Nam, từ nhà cửa, công ty đến gia đình. Việc sang Úc chỉ là sự trải nghiệm ở giai đoạn này. Các con học được nhiều và tôi cũng vậy. Hành trình lớn lên của các bé luôn có mẹ đồng hành 24/24, đó là điều quý giá. Mình không đánh đổi và không thay đổi những điều xưa cũ vì điều gì mới mơ hồ cả. Chỉ đơn giản đây là hành trình cho sự trải nghiệm mới thôi.Ốc Thanh Vân: 'Sang Úc là trải nghiệm, mọi thứ của tôi vẫn ở Việt Nam, từ gia đình đến công việc' Ảnh 2– Nhiều gia đình thường chọn cho con đi du học khi các bé ở độ tuổi trưởng thành (bắt đầu khoảng 18 tuổi trở lên), lý do gì khiến chị và chồng quyết định đưa các bé sang Úc du học khi các con còn quá bé? 

Tôi thấy các bé đều là những đứa trẻ có nhiều tố chất. Tôi không nói về chuyện xuất chúng hay có gì đặc biệt, tôi không đánh giá con bằng những hướng đó. Nhưng các bé đều là những đứa trẻ hiểu chuyện, yêu thiên nhiên, yêu những điều nhỏ bé và tận hưởng thế giới xung quanh. Đó là những điều mà tôi luôn muốn con mình có được. Bởi lẽ, sẽ có những thời điểm chúng không có cha mẹ bên cạnh, nên tôi muốn các con sẽ thêm những trải nghiệm mới và tự lập hơn. Tôi chẳng có mơ ước gì cao siêu cả, nhưng nếu mình có điều kiện một chút thì cho các con tiếp cận sớm một tí. Không phải mình quăng nó ở đó rồi kêu tự lập đi, mình vẫn phải đồng hành cùng các con. Nếu hành trình này không có bố mẹ, thì cũng không có giá trị, trừ khi các bé đã lớn. Đây không phải là trải nghiệm của một mình các con mà nó là của mẹ, của con, của cả nhà.Ốc Thanh Vân: 'Sang Úc là trải nghiệm, mọi thứ của tôi vẫn ở Việt Nam, từ gia đình đến công việc' Ảnh 3– Chị có nghĩ thời điểm này là quá sớm để các con rời quê hương và bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới ở Úc không? 

Đối với nhiều người, có thể nó hơi sớm, nhưng với tôi, thời điểm này là phù hợp. Với lại vì có cả ba anh em, chứ nếu chỉ có một bé thì chắc không phải thời điểm này. Cộng thêm, tôi có gia đình bên ngoại ở đó, nên cũng thuận lợi. Tôi cũng nói với các con là: “Thôi các con ơi, mẹ con chúng ta sẽ cùng cố gắng. Nếu có gì đó không ổn hay không phù hợp, mình luôn có một nơi để quay về”. Mình còn nhà, mình còn quê hương, nên mình không phải lo lắng là mình đi luôn hả, lúc nào mình nhớ thì mình về. Hiện tại, tôi đang để cho mọi thứ phát triển một cách tự nhiên.

Ốc Thanh Vân: 'Sang Úc là trải nghiệm, mọi thứ của tôi vẫn ở Việt Nam, từ gia đình đến công việc' Ảnh 4– Thời gian ở Úc, có khi nào chị nhớ sân khấu còn các con của chị nói về việc nhớ nhà không?

Trời đất ơi (cười). Một tháng cuối sắp về Việt Nam là nhớ vật vã cả mẹ lẫn con. Để tôi kể cho nghe, chỉ có những người ở trong hoàn cảnh xa quê hương mới hiểu và thấm điều đó. Những người xa quê hương từ khi còn nhỏ nó khác, người trưởng thành nó khác. Người chưa có gia đình nó khác. Còn tôi là nguyên một “cục” đang ổn định, mình bứng nó đi chỗ khác thì không bao giờ tránh khỏi sự tiếp xúc nhiều thứ khiến nó “sang chấn”, chỉ có ít hay nhiều, trước hay sau thôi. Thực sự vài tháng đầu, mình không nghĩ nhiều, không có thời gian để buồn, hay nghĩ ngợi gì. Bởi vì một cuộc sống mới, mình phải thích nghi, mình quay cuồng và tất bật suốt ngày.

Nỗi nhớ giống như tình yêu vậy đó, không thể giải thích hết được. Nó tới là nó tới rất nhanh, dữ dội. Nó thấm dần, thấm dần qua ngày. Bắt đầu những giai đoạn sau này, tôi cảm thấy đuối, thấy mệt vì không có Trí Rùa, rồi chị vú em ở bên cạnh. Tôi không thể phiền gia đình hoài được, mặc dù mình có bà, cô chú, rồi bạn bè ở bên đó. Chủ yếu là tự thân vận động thôi.

– Xa chồng, xa gia đình, xa những gì đã gắn bó với mình trong suốt mấy chục năm qua để chọn đồng hành cùng các con, làm tròn trách nhiệm của một người mẹ. Bản thân chị cảm thấy thế nào?

Tôi qua Úc hơn 7 tháng, hơn phân nửa thời gian là một mình tôi với tụi nhỏ. Thời gian đầu thì có Trí Rùa đi qua đi lại, chị vú em đến thăm. Khi mùa đông đến, tôi tìm hiểu có 2 bệnh này rất đúng. Thứ nhất là homesick (bệnh nhớ nhà), bệnh này nó có triệu chứng đàng hoàng. Hồi xưa cũng làm các chương trình tâm lý nhưng đâu đoán được tâm lí mình sẽ như vậy. Tôi bắt đầu thấy mình ăn không ngon, không thiết tha gì, không muốn đi đâu. Lòng thì cứ bồn chồn, và nỗi nhớ ngày qua ngày cứ lớn dần. Nó không phải chỉ nhớ chồng, nhớ mẹ, nhớ em gái mà còn nhớ cả tuổi thơ của mình. Hồi đó, tôi không trải qua những chuyện đó, bởi từ bé đến lớn là mình sống cùng gia đình, cũng không đi học xa nhà, đi quay, đi làm xa nhà thì có nhưng đi rồi về. Nó làm cho tôi ốm luôn.

Thứ 2 là, tôi bị trầm cảm. Bệnh này có thể đánh gục những người mạnh mẽ, bản lĩnh và vui vẻ đừng nói đến những người tinh thần yếu. Mình thuộc dạng lúc nào cũng lạc quan. Mà căn bệnh này thường đến với những người xa quê, lao lực, và vào mùa đông thì nó càng dồn dập hơn. Cộng hết những yếu tố đó, tôi thấy mình phải đi về Việt Nam để “chữa lành”. Nỗi nhớ ấy nó không nằm ở người cụ thể nào nữa, mà nó nhớ tới cả cái mùi, nhớ tuổi thơ luôn ấy. Nó cũng cho mình điều mà mình chưa từng trải qua trong suốt 40 năm cuộc đời.