Cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc, võ tướng được coi là nhân sự quan trọng trong bộ máy của các vị quân chủ. Vai trò của họ rất lớn trong thời kỳ thiên hạ hỗn loạn. Các vị quân chủ như Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền đương nhiên cũng đặc biệt chú trọng chiêu mộ các anh hùng, hào kiệt này.

Trong Tam Quốc, anh hùng xuất hiện vô số. Vậy, ai mới được coi là đệ nhất mãnh tướng?

Trước câu hỏi này, nhiều người sẽ cho rằng đáp án là Lã Bố. Tuy nhiên, đây lại không phải là câu trả lời thỏa đáng. Bởi dù võ nghệ của Lã Bố quả thực rất cao, thậm chí có thể là hàng đầu thời Tam Quốc, nhưng danh tướng này lại có một trở ngại lớn. Đó là không muốn chiến đấu đến chết. Lã Bố võ nghệ tuy xuất chúng nhưng phong độ chiến đấu dường như lại không được như kỳ vọng. Chính vì vậy, Lã Bố không thể được gọi là đệ nhất mãnh tướng trong Tam Quốc.

Đệ nhất mãnh tướng trong Tam Quốc, 3 lần độc đấu với Lã Bố, 2 lần khiến Quan Vũ phải nhượng bộ- Ảnh 1.

Lã Bố tuy võ nghệ rất cao nhưng không phải là đệ nhất mãnh tướng thời Tam Quốc.

Hơn nữa, theo các chuyên gia, mấu chốt của danh xưng này chính là từ “mãnh”. Do đó, người được xưng tụng là đệ nhất mãnh tướng không chỉ dũng cảm chiến đấu, không sợ trời, không sợ đất mà còn phải có võ nghệ cao cường khiến người bình thường không phải là đối thủ. Đệ nhất mãnh tướng trong Tam Quốc là ai?

Đáp án là Trương Phi.

Đệ nhất mãnh tướng trong Tam Quốc: Danh xứng với thực

Đệ nhất mãnh tướng trong Tam Quốc, 3 lần độc đấu với Lã Bố, 2 lần khiến Quan Vũ phải nhượng bộ- Ảnh 2.

Trương Phi chính là đệ nhất mãnh tướng thời Tam Quốc.

Trương Phi (? – 221), tự Ích Đức, thường được gọi là Dực Đức, là danh tướng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc. Ông là người Trác Quận, nay là Trác Châu, thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Theo ghi chép trong lịch sử, Trương Phi sinh trưởng trong một gia đình giàu có và làm nghề bán rượu. Ông có thân hình to lớn, dung mạo oai phong và được học hành cả về sách vở lẫn võ nghệ. Trương Phi được sử sách mô tả là một vị tướng văn võ song toàn, có tài thư pháp và đặc biệt là sở trường vẽ tranh mỹ nhân.

Tam Quốc chí của sử gia Trần thọ và một số tài liệu chính sử ghi lại rằng Trương Phi tuy chuyện nhỏ thô lỗ, nhưng trong thô có tinh, đại sự có kế và mưu lược hơn người.

Đặc biệt, trong Tam Quốc diễn nghĩa có mô tả ước lệ ấn tượng về Trương Phi: “Tiếng vang như sấm, chạy nhanh như ngựa, râu cọp hàm én, đầu beo mắt lồi, lấy thủ cấp của tướng giặc trong muôn quân như lấy đồ trong túi…“.

Ngay từ khi còn trẻ, Trương Phi đã có cơ hội gặp gỡ và kết giao với Lưu Bị và Quan Vũ. Ba người coi nhau như anh em một nhà. Trương Phi và Quan Vũ theo phò tá cho Lưu Bị kể từ khi vị quân chủ này khởi binh chống quân khởi nghĩa Khăn Vàng. Suốt nhiều năm phò tá, dù trải qua nhiều hiểm nguy nhưng Trương Phi vẫn luôn một lòng tận trung với Lưu Bị và Thục Hán.

Sử sách ca ngợi Trương Phi không chỉ có võ nghệ cao mà còn rất dũng cảm trong chiến đấu. Dù kẻ địch có mạnh đến đâu Trương Phi cũng sẵn sàng giao chiến. Sự dũng mãnh và khả năng chiến đấu của Trương Phi nhiều lần khiến các võ tướng và tất cả những người chứng kiến phải kinh ngạc.

Đệ nhất mãnh tướng trong Tam Quốc, 3 lần độc đấu với Lã Bố, 2 lần khiến Quan Vũ phải nhượng bộ- Ảnh 3.

Trương Phi một mình một ngựa đứng trên đầu cầu Trường Bản để chặn đại quân Tào.

Đặc biệt, việc một mình một ngựa đứng chặn hàng vạn quân Tào trên đầu cầu Trường Bản (năm 208) của Trương Phi đã trở thành một chiến tích độc nhất vô nhị trong Tam Quốc. Trong trận Trường Bản, đại quân của Tào Tháo truy đuổi Triệu Vân nhưng đến đầu cầu thì khiếp sợ không dám đánh. Trương Phi cưỡi ngựa, tay cầm xà mâu hét lớn thách thức bất kỳ tướng lĩnh nào dám bước lên cùng ông quyết tử. Tiếng hét cùng sự hùng dũng của Trương Phi khiến đại quân Tào khiếp sợ, ngay cả Tào Tháo cũng bị chấn động.

Các mãnh tướng dưới trướng Tào Tháo khi đối mặt với Lã Bố, Quan Vũ, Triệu Vân hay Mã Siêu đều không hề tỏ ra khiếp sợ hay chùn bước, duy chỉ có Trương Phi là ngoại lệ.

Vậy, vì sao Trương Phi lại có khả năng đặc biệt này? Hãy xem hiệu quả chiến đấu của danh tướng này.