Ở mức độ nào đó, có những khu đô thị đã biến thành một “lãnh địa” riêng của chủ tập đoàn. Họ tự ý đặt ra những quy định, quy chế riêng cho “lãnh địa” đó mà cư dân và nhất là khách buộc phải tuân thủ.

Ngày 29/4, mạng xã hội lan truyền hình ảnh 1 chiếc xe cứu thương bị bảo vệ khóa bánh tại một khu đô thị.

Sự việc xảy ra vào chiều cùng ngày tại sân nội khu một cụm chung cư thuộc xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Lúc này, bên cạnh chiếc xe cứu thương bị khóa bánh là một người bệnh đang nằm, chuẩn bị được chở đi cấp cứu. Khu vực đỗ xe là phạm vi dành riêng cho phòng cháy chữa cháy.

Phía ban quản lý khu đô thị cho biết vào chiều 29/4, chiếc xe cứu thương đỗ tại khu vực cấm trong một thời gian dài tại sân nội khu tòa nhà. Sự việc sau đó được cư dân báo với lực lượng an ninh.

Ban quản lý khu đô thị này lý giải chủ trương khóa bánh xe đỗ sai vị trí tại khu đô thị được ban quản trị (do cư dân bầu) thống nhất với ban quản lý để đảm bảo lưu thông hành lang phòng cháy chữa cháy.

Ban quản lý và bảo vệ lý giải rằng việc khóa bánh xe đó đã được một bảo vệ đứng trực để giải quyết, song lời giải thích đó rất khó thuyết phục. Khi người nhà bệnh nhân cũng như nhân viên y tế đưa bệnh nhân xuống xe, họ không chỉ phải mất thời gian giải quyết rắc rối với bảo vệ mà có lẽ tâm lý của họ cũng bị ảnh hưởng trước cảnh tượng xe cứu thương bị khóa chặt vào một hàng rào sắt.

May là sự việc chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên nó khiến người ta liên tưởng đến không ít bảo vệ của khu chung cư, khu đô thị mới với những cách làm có phần vượt quá quyền hạn của mình.

Khóa bánh xe cứu thương và những "lãnh địa" khu đô thị- Ảnh 1.

Xe cứu thương bị khóa bánh

Trong những năm gần đây, các khu chung cư, khu đô thị mới lũ lượt ra đời. Mỗi khu đô thị thường tọa lạc trên mảnh đất đắc địa, chiếm một diện tích lớn. Trong khu chung cư, khu đô thị thường có những đường nội bộ cho cư dân và cả khách vãng lai đi lại.

Đương nhiên khu chung cư, đô thị mới cần có nội quy quy tắc riêng, việc đi lại của cư dân cũng như người dân nói chung cần phải tuân thủ những quy định nhất định. Tuy nhiên, như bất cứ nội quy nào nào khác, những quy định đó phải tuân thủ pháp luật.

Nhưng thực tế, các khu chung cư và đặc biệt là khu đô thị mới thường của một tập đoàn lớn với số tiền đầu tư khổng lồ. Chủ của khu đô thị càng “có máu mặt” “tay to” thì khu đô thị càng nổi tiếng, có giá và những nhân viên phục vụ trong khu đô thị đó có lẽ vì thế càng “nghênh ngang”.

Ban quản trị đương nhiên là do dân cư bầu ra nhưng bao năm nay thiết chế này thường gây chú ý vì việc thu chi rồi tranh chấp phí vệ sinh, bảo trì hơn là việc phục vụ lợi ích cho chính những chủ thể đã bầu ra mình.

Ở mức độ nào đó, có những khu đô thị đã biến thành một “lãnh địa” riêng của chủ tập đoàn. Họ tự ý đặt ra những quy định, quy chế riêng cho “lãnh địa” đó mà cư dân và nhất là khách buộc phải tuân thủ.

Luật pháp đã dành cho xe cứu thương những quyền ưu tiên nhất định trong quá trình hoạt động. Quyền ưu tiên đó hoàn toàn không phải là đặc quyền đặc lợi mà nó dựa trên những nguyên tắc đạo đức: tất cả vì lợi ích của người bệnh, tạo mọi điều kiện để bệnh nhân được đưa đến cơ sở ý tế một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất. Nhưng ở trường hợp trên, ngay cả xe cứu thương cũng bị những bảo vệ của khu đô thị “ra tay”.

Ở một giác độ khác, luật pháp đã có những quy định về việc tạm giữ tài sản của người khác một cách khá chặt chẽ, chi tiết. Chỉ những tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, nói cách khác là đang thi hành công vụ được nhà nước trao quyền, mới có thể thực hiện hành vi phong tỏa, tạm giữ tài sản của tổ chức, cá nhân khác. Việc tạm giữ, phong tỏa chỉ xảy ra với những vụ việc có dấu hiệu rõ ràng về hành vi vi phạm pháp luật hành chính, pháp luật hình sự hoặc để thi hành án dân sự. Đương nhiên, việc phong tỏa, tạm giữ cũng phải được thực hiện theo trình tự thủ tục chặt chẽ quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự và Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật thi hành án dân sự.

Năm 2023, một vụ án gây chú ý của dư luận xã hội khi một tài xế xe taxi đã gây tai nạn cho một bảo vệ khu đô thị mà nguyên nhân ban đầu cũng bắt nguồn từ việc bảo vệ khóa bánh xe khi cho rằng xe đậu sai nơi quy định.

Đương nhiên, hành vi đâm xe vào bảo vệ là hành vi trái pháp luật phải bị xử lý nghiêm minh. Sự việc đó chỉ bắt nguồn từ một việc khá nhỏ nhặt nhưng bảo vệ khu đô thị lại có phần cứng nhắc trong xử lý khi việc đỗ xe cũng không phải là lỗi của người lái taxi.

Cùng với quá trình phát triển kinh tế – xã hội, luật pháp cũng cần dự liệu và có những quy định chặt chẽ, chi tiết, rõ ràng để tránh trường hợp bảo vệ, ban quản lý lạm quyền trong quản lý các khu chung cư, đô thị mới.