Chồng tôi cứ bảo, anh em ruột trong nhà không tính toán, mình là anh cả phải lo tất.

Vợ chồng tôi bình thường sống rất hạnh phúc. Nhưng cả năm cứ đến ngày giỗ bố mẹ chồng là 2 đứa lại bất hòa. Nguyên nhân cũng chỉ vì phải lo liệu làm giỗ vất vả quá, trong khi 2 em chồng và em dâu thì cứ thờ ơ, chỉ biết vác mặt về ăn.

Khi lấy chồng con trưởng, tôi xác định sẽ vất vả hơn vì phải gánh vác nhiều. Nhưng thời điểm ấy, dù bố chồng tôi đã mất vẫn còn mẹ chồng. Vì thế mọi giỗ chạp trong nhà bà đứng ra lo liệu và chỉ đạo hết. Chúng tôi chỉ phụ và đỡ đần. Song kể từ khi bà mất vì bệnh tật 4 năm nay, gánh nặng lo giỗ chạp một mình vợ chồng tôi lo liệu.

Chồng tôi thì thương các em, ngày giỗ bố mẹ muốn làm chu toàn để mọi người tụ tập vui vẻ 1 ngày nên năm nào cũng bày vẽ làm 12-13 mâm. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó nhà chồng đâu phải chỉ có một mình anh là con trai. Dưới anh còn có 2 em trai nữa và đều đã lập gia đình. Do tính chất công việc, 2 em trai anh không sống ở quê như vợ chồng tôi mà đều ở thành phố hết. Bận rộn với gia đình riêng và công việc nên em dâu, em trai ít khi về quê lắm.

Trước khi mẹ chồng qua đời, nhà có tài sản đất đai bà đã chia đều hết cho 3 con trai. Vợ chồng tôi vẫn ở căn nhà cũ của bố mẹ để tiện hương khói và thờ cúng tổ tiên. Còn 2 em được cho 2 mảnh đất khác trong làng. Song xác định không về quê sống nên các chú ấy đồng loạt bán đi lấy tiền mua căn nhà nhỏ 30m2 trên phố cho tiện sinh hoạt. Thậm chí cả tiền phúng điếu đám tang được bao tiền, 3 anh em cũng chia đều.

Cứ nghĩ bố mẹ chung và đất cát đều được ông bà chia như vậy thì 2 em trai, em dâu sẽ cùng có trách nhiệm lo giỗ chạp chung với anh trưởng. Nào ngờ họ đùn hết trách nhiệm cho vợ chồng tôi. Chồng tôi thì thương các em, ngày giỗ bố mẹ muốn làm chu toàn để mọi người tụ tập vui vẻ 1 ngày nên năm nào cũng bày vẽ làm 12-13 mâm.

Mọi năm biết gánh nặng và trách nhiệm của con trưởng, vợ chồng tôi toàn nai lưng làm giỗ cho bố mẹ chồng tươm tất. Lần giỗ nào, chúng tôi cũng làm 12-13 mâm mời tất cả cô bác trong họ, anh em. 2 gia đình nhà em chồng mang tiếng là ruột thịt nhưng cứ khoảng 10-11 giờ trưa mới về đến nơi. Về họ mua ít hoa quả, bánh kẹo, thùng bia thắp hương xong là ngồi vào ăn. Ăn xong có khi chả kịp dọn dẹp đã phải về lại thành phố. Dù vậy tôi vẫn nghĩ cả năm có 1,2 ngày giỗ, mình là chị dâu trưởng chịu mệt tí cũng không sao.

Nhưng năm nay giỗ mẹ chồng vào đúng thời điểm tôi đang bầu đứa thứ 2, lại còn trúng cuối tuần nắng nóng cao điểm nên tôi mệt rã rời. Vì thế khi nghe chồng bàn bạc giỗ mẹ lần này vẫn làm 13 mâm cỗ mà tôi choáng váng nên gạt đi. Tôi bảo anh chỉ làm 1 mâm cỗ thắp hương cúng bố mẹ là được. Hoặc nếu không vẫn làm 12 mâm nhưng phải gọi 2 em chồng, 2 em dâu về cùng phụ làm. Bởi bố mẹ là bố mẹ chung, ngày giỗ phải cùng chung nhau lo toan, hết bao nhiêu cùng chia nhau tiền.

Tôi nói thế có gì sai mà chồng bảo tôi láo rồi còn cho vợ mấy bạt tai nữa. (Ảnh minh họa)

Song chồng tôi cứ bảo, anh em ruột trong nhà không tính toán, mình là anh cả phải lo tất. Nhưng tôi không đồng ý vì cỗ bàn vừa vất vả vừa tốn kém, bố mẹ chung, sao cứ đổ đầu con trưởng. Chưa kể tôi bầu bí một mình làm 12 mâm cỗ như thế mệt bở hơi tai nên nhất quyết không chịu làm giỗ mẹ chồng lần này.

Tôi nói thế có gì sai mà chồng bảo tôi láo rồi còn cho vợ mấy bạt tai cháy má nữa. Đã thế giỗ mẹ chồng tôi làm 1 mâm cơm cúng xong rồi sẽ đưa con về quê ngoại chơi cho ở nhà chồng tôi thích làm gì thì làm. Thật sự bầu 3 tháng cuối thai kỳ như này giờ tôi không có sức để làm như trước. Trước mắt tôi chỉ giữ gìn sức khỏe để mẹ con đều khỏe mạnh thôi. Không biết 3 tháng cuối này mẹ bầu như tôi nên giữ gìn sức khỏe thế nào nhỉ?