Sau khi chấp hành án, ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã có đơn xin thực hành tại Bệnh viện Hữu nghị (Hà Nội).
Nguồn tin của Lao Động, ông Nguyễn Quang Tuấn bắt đầu thực hành tại Bệnh viện Hữu nghị từ ngày 1.7 để được cấp giấy phép hành nghề theo quy định.
Theo Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định thời gian, nội dung thực hành để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh bác sĩ là 12 tháng, trong đó, thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh là 9 tháng; thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 3 tháng…
Trong quá trình thực hành phải lồng ghép nội dung hướng dẫn về các quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, quy chế chuyên môn, đạo đức hành nghề, an toàn người bệnh, kỹ năng giao tiếp và ứng xử của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15, điều 20 quy định các trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh: Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật; Đang trong thời gian thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật…
Như vậy, khi nào chấp hành xong án phạt tù, nếu bác sĩ đáp ứng đủ các điều kiện thì được xem xét cấp lại chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố để điều tra, làm rõ trách nhiệm liên quan sai phạm về “thổi giá” thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội – nơi trước đó ông Tuấn cũng làm Giám đốc.
Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn và 11 người khác trong vụ nâng giá vật tư y tế đã gây thiệt hại hơn 53 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Quang Tuấn bị tuyên phạt mức án 3 năm tù và không bị cấm đảm nhiệm chức vụ hay cấm hành nghề sau khi chấp hành bản án.