Mỗi ngày, tôi đều phải quần quật làm tất cả việc lớn, việc nhỏ trong nhà. Nhưng khi tôi bị bệnh, không thể làm việc nhà, con trai và con dâu đã ngay lập tức đuổi tôi đi.

Câu chuyện của bà Lý được chia sẻ trên MXH Toutiao (Trung Quốc) thu hút nhiều sự chú ý từ CĐM.

***

Tôi tên là Lý Hương Tuyết, năm nay tôi 62 tuổi. Tôi từng sống ở quê cùng chồng và có với nhau một con trai. Đến năm con trai học cấp 2, chồng tôi đột nhiên lâm bệnh nặng.

Khi đó, tôi rất đau lòng. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi chỉ là một nông dân bình thường, chồng tôi có công việc ổn định nhưng lại mắc bệnh nặng. Vì vậy, sau khi tiêu hết tiền tiết kiệm của gia đình, chúng tôi không đủ khả năng thanh toán tiếp viện phí nên bị bệnh viện trả về.

Gia đình tôi cũng không thể đi vay nợ họ hàng vì lương tháng của họ thậm chí còn không đủ nuôi sống gia đình. Việc vay nợ ngân hàng hay các tổ chức tín dụng khác lại càng không thể vì gia đình tôi không đủ khả năng chi trả khoản lãi suất lớn. Vì vậy, khi đó, mỗi ngày ngoài việc ra đồng cày cấy, tôi đều tận tình chăm sóc chồng một cách tốt nhất có thể.

Vài tháng sau, chồng tôi qua đời. Áp lực tài chính trong gia đình đổ dồn lên người tôi. Khi đó, tôi vừa xin đi làm công nhân tại một xưởng sản xuất, vừa phải lo công việc đồng áng để kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống và đóng học phí cho con trai. Cứ như vậy, tôi một mình cáng đáng cả gia đình, nuôi con ăn học đến tận lúc con tốt nghiệp Đại học.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, con trai tôi ở lại Vũ Hán và tìm được một công việc tốt ở đó.

62 tuổi, sống ở nhà con trai: Do đau lưng không thể nấu cơm, dọn nhà nên bị con trai, con dâu đuổi ra đường trong đêm- Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Tôi kết hôn lần hai nhưng vẫn dốc lòng lo nghĩ cho con

Sau này, qua sự giới thiệu của một người bạn, tôi đã gặp và làm quen với người chồng hiện tại. Ông ấy cũng sống ở quê, làm công nhân tại nhà máy, gia đình ông có mấy sào ruộng. Ông ấy chia sẻ rằng sau hơn 10 năm bên nhau, vợ cũ đã yêu cầu ly hôn và dẫn theo con trai của họ cùng rời khỏi nhà.

Nghe vậy, tôi cảm thấy đồng cảm và quyết định tìm hiểu. Tôi thấy ông ấy là người trung thực, đáng tin cậy, bên cạnh đó chúng tôi cũng rất hợp nhau nên đã quyết định về chung một nhà. Sau khi lấy nhau, chồng thứ hai của tôi thực sự rất có trách nhiệm với gia đình. Ông ấy đối xử với con trai tôi như con ruột, thậm chí còn giao sổ tiết kiệm cho tôi quản lý. Tuy nhiên, con trai tôi nhất quyết không công nhận ông ấy.

Từ đó, cứ mỗi dịp Tết hoặc khi nhận được cuộc gọi hỏi thăm của tôi, con trai đều viện cớ bận công việc nên không về nhà ăn bữa cơm đoàn viên. Tôi hiểu rằng việc tôi kết hôn lần hai khiến con trai tôi cảm thấy tổn thương. Vì vậy, mỗi khi con trai có yêu cầu gì, tôi đều cố gắng hết sức để hỗ trợ, bù đắp tình thương cho con.

Sau khi đi làm được 2 năm, con trai tôi gọi điện về nhà thông báo rằng sắp kết hôn và muốn tôi hỗ trợ để mua căn nhà ở Vũ Hán. Khi đó, tôi không nghĩ ngợi nhiều, liền rút hết số tiền tiết kiệm nhưng chỉ đủ để con trả tiền đặt cọc nhà.

Sau khi kết hôn, vợ chồng con trai sống ở Vũ Hán, trong khi tôi và chồng hiện tại tiếp tục làm việc ở quê. Vài tháng sau, con trai gọi cho tôi và nói rằng con dâu sắp sinh. Con trai muốn tôi đến Vũ Hán ngay để chăm sóc con dâu. Nghe thấy vậy, tôi lập tức xin nghỉ việc, thu dọn đồ đạc bắt chuyến tàu nhanh nhất đến đến thành phố nơi các con sinh sống.

Ba ngày sau khi tôi đến Vũ Hán, con dâu tôi sinh được một bé trai, lúc đó tôi rất vui và cố gắng hết sức để hỗ trợ các con. Khi cháu trai được 3 tháng tuổi, con dâu tôi đi làm. Từ đó, mọi việc giặt giũ, nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc cháu đều đổ lên vai tôi.

Lúc đó, tôi nghĩ con trai và con dâu đi làm vất vả, một ngày làm việc rất mệt mỏi nên cũng thông cảm cho các con. Thái độ của con trai và con dâu đối với tôi khi đó cũng khá tốt. Tuy nhiên, sau khi tôi gặp vấn đề về sức khỏe thì thái độ của 2 con thay đổi hoàn toàn.

Tôi bị đuổi ra ngoài đường ngay trong đêm chỉ vì đau lưng, không thể làm việc nhà

Một hôm, khi đang lau nhà, lưng tôi bỗng đau đến mức không thể chịu nổi khiến tôi không thể cúi người xuống. Hôm đó, tôi cố gắng chịu đựng cơn đau hoàn thành nốt mọi việc. Khi con trai tan làm trở về, tôi kể cho con nghe chuyện tôi bị đau lưng. Con trai đã xin phép nghỉ làm hôm sau rồi nói sẽ đưa tôi đến bệnh viện khám. Con dâu cũng xin nghỉ một ngày để giúp tôi chăm sóc cháu trai.

Tới viện, bác sĩ chẩn đoán tôi bị trượt đốt sống thắt lưng. Bác sĩ đưa cho tôi một ít miếng dán và yêu cầu tôi hạn chế làm việc nhà và nghỉ ngơi trong vài ngày. Ngày hôm sau, con trai và con dâu vẫn đi làm như thường lệ. Dù đang bị đau lưng nhưng tôi vẫn phải tiếp tục ở nhà chăm sóc cháu. Do lưng không thể cúi xuống, tôi đã phải rất chật vật và cẩn trọng khi chăm cháu, nhưng không làm việc nhà như thường lệ. Tối hôm đó, tôi cũng không nấu bữa tối vì nghĩ rằng các con biết tôi bị đau lưng nên sẽ hiểu cho tôi và tự chuẩn bị bữa tối.

Tối hôm đó, con dâu tôi về nhà trước, con vào phòng ngủ như thường lệ và quen với việc để tôi bận rộn trong bếp nấu đồ ăn. Tuy nhiên, giờ tôi bị đau lưng nhưng con dâu lại không hề hỗ trợ, giúp đỡ tôi. Tôi muốn gõ cửa phòng gọi con dâu ra phòng bếp để nấu ăn, nhưng lại do dự hồi lâu không dám đi. Cuối cùng, tôi quyết định đợi con trai tôi tan làm trở về và nấu ăn cho cả gia đình.

Hôm đó, con trai tôi tan làm rất muộn. Thấy tôi chưa nấu đồ ăn, con trai vào phòng tôi hỏi. Tôi nói rằng do đau lưng, không thể nấu nên muốn các con tự vào bếp. Nghe vậy, sắc mặt con trai lập tức khó coi, miệng lẩm bẩm: “Đau lưng của mẹ chỉ là vấn đề nhỏ thôi, sao mẹ lại không nấu ăn được?”.

Một lúc sau, tôi nghe thấy tiếng con trai và con dâu cãi nhau. Sau đó, con trai tôi bước vào phòng và nói: “Mẹ đau lưng nhưng cũng không thể ngừng nấu ăn và làm việc nhà. Mẹ không biết chúng con đi làm cả ngày rất mệt sao?”. Tôi nhắc lại cho con trai lời dặn của bác sĩ cần hạn chế làm việc. Bên cạnh đó, tôi cũng nói bản thân đã cố nhịn cơn đau để chăm sóc cháu trai cả ngày, nếu tiếp tục làm việc nhà thì lưng tôi sẽ không chịu nổi.

Lúc này, con dâu đi vào phòng và cao giọng nói: “Nghĩa là mẹ sẽ không làm việc nhà nữa, chỉ chăm sóc cháu thôi phải không?”. Nhìn thái độ của các con, tôi bực bội. Tôi cũng tủi thân vì các con đi làm về cũng không hỏi thăm sức khoẻ của tôi, giờ còn có thái độ hỗn láo.

Do đó, tôi dứt khoát nói: “Mẹ đang đau lưng, cần được nghỉ ngơi. Trong thời gian này, mẹ sẽ không làm việc nhà mà chỉ có thể chăm cháu. Việc giặt giũ, nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa các con phải phụ trách hoặc thuê giúp việc”.

62 tuổi, sống ở nhà con trai: Do đau lưng không thể nấu cơm, dọn nhà nên bị con trai, con dâu đuổi ra đường trong đêm- Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

Sau khi nghe tôi nói điều này, con trai và con dâu tôi không bằng lòng. Tệ hơn, con dâu nói: “Nếu không làm việc nhà được thì sao còn ở nhà tôi? Chúng tôi cũng có thể tìm được một bảo mẫu!”. Con trai bênh vợ mà trách móc tôi: “Mẹ chưa già đâu, đừng ỷ vào việc mẹ hơi lớn tuổi mà lười biếng”.

Sau câu nói đó của con trai, tôi quay sang thấy con dâu đang nhét hết quần áo của tôi vào vali. Con dâu cầm chiếc vali đó ném ra khỏi cửa nhà. Tôi chưa kịp định thần lại đã bị con trai và con dâu đẩy ra khỏi nhà. Tôi bị ngã nhào ra đất và chỉ kịp nghe thấy tiếng đóng cửa mạnh ở phía sau.

Tôi nén cơn đau, chậm rãi đứng lên và bước từng bước tập tễnh đến ga tàu. May mắn, nhà con trai cách ga tàu không xa nên tôi đã cố di chuyển để đến nơi. Tôi đã rời khỏi Vũ Hán để về quê ngay trong đêm.

Khi tôi khóc và kể với chồng về mọi chuyện xảy ra ở Vũ Hán, ông ấy nói: “Chúng ta đã hoàn thành nghĩa vụ làm cha mẹ. Không thể trông cậy được vào các con, bà hãy tiết kiệm một khoản tiền để sau này tự mình hưởng thụ”.

Tôi thấy những điều chồng nói rất có lý. Sau khi nghỉ ngơi ở nhà một thời gian, bệnh đau lưng của tôi đã thuyên giảm đáng kể. Tôi quyết định sẽ không quan tâm đến con trai nữa. Nếu các con có nhờ vả điều gì, tôi cũng nhất quyết không giúp đỡ.

Bây giờ, tôi đang làm bồi bàn trong một nhà hàng. Tôi làm việc 8 tiếng mỗi ngày và kiếm được hơn 3.000 NDT (khoảng 10 triệu VNĐ) mỗi tháng. Dù mệt mỏi nhưng tôi làm việc rất chăm chỉ. Tôi và chồng sẽ làm việc thêm vài năm nữa, tiết kiệm nhiều tiền hơn để có cuộc sống an nhàn sau này.