NSND Phương Thanh được xem là một trong những mỹ nhân màn ảnh phía Bắc thập niên 70, 80. Nữ nghệ sĩ sở hữu gương mặt phúc hậu cùng nụ cười tươi tắn, rạng rỡ…
NSND Phương Thanh tên thật là Phương Thị Thanh, sinh năm 1956, tốt nghiệp lớp Diễn viên điện ảnh khóa 2, trường Điện ảnh Việt Nam (nay là trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội).
NSND Phương Thanh được xem là một trong những mỹ nhân màn ảnh nhỏ phía Bắc thập niên 70, 80. Ảnh: TGĐA
NSND Phương Thanh nhận được giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V (1980) với vai Hiền “cá sấu” trong phim Tội lỗi cuối cùng. Vai diễn này đánh dấu bước đột phá về nghệ thuật diễn xuất của NSND Phương Thanh bởi sự chân thực, hồn hậu nhưng không thiếu chất trí tuệ và khả năng khám phá chiều sân tâm trạng nhân vật.
NSND Phương Thanh (ngoài cùng bên phải) cùng với các nghệ sĩ tên tuổi như: Diệu Thuần, Thanh Quý, Minh Châu. Ảnh: TGĐA
Những vai diễn để đời của Nghệ sĩ Nhân dân Phương Thanh
Trong sự nghiệp hơn 30 năm gắn bó với điện ảnh của mình, NSND Phương Thanh đã tham gia khoảng 50 phim nhựa và khoảng 100 tập phim truyền hình từ năm 1977 đến năm 2007.
Khởi đầu với vai Thoa trong bộ phim Đứa con nuôi (1977), tiếp đó là các vai diễn trong các phim: Mưa rơi trên thành phố; Những đứa con; Tội lỗi cuối cùng; Ai giận ai thương; Những người đã gặp; Trở về Sam Sao; Sẽ đến một tình yêu; Kỷ niệm đồi trăng; Nửa chừng xuân…
Kể về những vai diễn đầu đời, NSND Phương Thanh từng chia sẻ: “Cuối năm 1976, khi đang học năm thứ 3, tôi được chọn vào vai Thoa trong phim Đứa con nuôi. Sau vai Thoa, đạo diễn Trần Khánh Dư tiếp tục chọn tôi vào vai cô giáo Hạnh trong Những đứa con. 21 tuổi, tôi còn chưa có người yêu nên phải đóng cảnh Hạnh vượt cạn, tôi khá lo sợ. Thế là tôi vào bệnh viện để thâm nhập thực tế.
Tôi chú ý quan sát những cơn co thắt ở vùng bụng khi rặn đẻ. Bắt chước về hình thể, nhưng tôi vẫn chưa diễn tả được nỗi đau của người đàn bà lúc vượt cạn. Tôi âm thầm mua gần 20 chiếc cặp quần áo bằng gỗ rồi cặp vào những vùng bụng khi phụ nữ đau đẻ thường đặt tay vào đó để xoa. Mấy ngày liền, bụng tôi tím bầm và đau ê ẩm nhưng vẫn cắn răng chịu. Đến lúc diễn, cộng với cảm xúc của nhân vật và nỗi đau thể xác, cô giáo Hạnh của tôi đã chảy nước mắt, mồ hôi tứa ra như tắm khiến ai nấy đều bất ngờ…”
Vẻ đẹp của NSND Phương Thanh thời trẻ. Ảnh: Lao động
Nhắc đến Phương Thanh là những người yêu điện ảnh nhớ đến vai diễn Hiền “cá sấu” trong phim Tội lỗi cuối cùng của đạo diễn Trần Phương. Đây cũng là vai diễn để đời, nổi tiếng nhất của chị.
Khi nhắc về NSND Phương Thanh với vai diễn này, nhiều người vẫn nói rằng, đây là vai nữ chính phản diện có ngoại hình “duyên đến ghê người” bởi đôi mắt hút hồn, man dại, liều lĩnh, lẳng và rất tình.
Vai diễn này cũng đem lại cho nữ nghệ sĩ giải Bông sen Vàng cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V năm 1979. Để vào vai nữ tướng cướp Hiền “cá sấu”, nghệ sĩ Phương Thanh đã phải vào trại giam Long Thành – Đồng Nai để cùng ăn cùng ngủ với nữ tội phạm nhằm nắm bắt tâm lý, tình cảm của họ.
NSND Phương Thanh trong vai Hiền “cá sấu” phim Tội lỗi cuối cùng. Ảnh: TGĐA
NSND Phương Thanh từng kể về vai diễn Hiền “cá sấu” rằng: “Nhân vật của tôi là Nguyễn Thị Hiền, còn gọi là Hiền “cá sấu”, 24 tuổi (hơn tôi lúc đó một tuổi). Hiền từng hành nghề mại dâm và có quá khứ tội lỗi nên phải vào trại giam để phục hồi nhân phẩm. Để vào vai Hiền, tôi được làm lý lịch giả phạm nhân.
Ba ngày liền, tôi sống cùng các nữ tù trong trại giam Long Thành (Đồng Nai), tính cả thời gian tìm hiểu thực tế là một tuần ở trại. Có lần, tôi đi đổ bô và đi lấy cơm thì thấy ở hàng rào dây thép gai phía bên kia, đoàn làm phim đi khảo sát bối cảnh. Đạo diễn Trần Đắc và đạo diễn Trần Phương không dám đi gần vì sợ nhìn tôi rồi bị lộ. Sau này, trong một bài báo, đạo diễn Trần Đắc tâm sự, ông dõi theo từng bước chân của tôi khi thấy tôi đi lấy cơm và đổ bô mà nước mắt ứa ra thương xót. Trông thấy tôi xanh rớt, ông không thể tin vào mắt mình và ngay từ lúc đấy, ông nghĩ tôi đã trở thành nhân vật Hiền “cá sấu””.
Vợ chồng nghệ sĩ Phương Thanh và Anh Dũng nên duyên trong phim Kỷ niệm đồi trăng. Ảnh trong phim
Nhưng vai diễn mà NSND Phương Thanh nhắc đến nhiều nhất, cũng yêu thích nhất lại là vai Kiều Oanh – một cô nàng trong sáng, mơ mộng, mạnh mẽ, đầy sức sống trong phim Kỷ niệm đồi trăng. Bởi lẽ, những ngày đóng bộ phim này đã làm nảy nở mối tình của chị với người bạn diễn Nguyễn Anh Dũng (nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam).
Hai người trở thành chồng vợ khi NSND Phương Thanh tròn 30 tuổi. Sau vai diễn này, nữ nghệ sĩ cũng ít xuất hiện trên màn ảnh để chuyên tâm vào vai trò một người vợ, người mẹ, đứng sau hỗ trợ sự nghiệp của chồng. Vai diễn cuối cùng của NSND Phương Thanh là vai bà mẹ trong bộ phim truyền hình dài tập Mùa cưới của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn.
Với những đóng góp của mình cho điện ảnh nước nhà, nghệ sĩ Phương Thanh được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Nữ nghệ sĩ có tiền sử cao huyết áp và qua đời năm 2009 sau một cơn tai biến mạch máu não. Đám tang của Phương Thanh có hàng ngàn người đưa tiễn, thương tiếc.
Phương Thanh và chồng là nghệ sĩ Nguyễn Anh Dũng. Ảnh: Lao động
Sau đám tang, tập thể lớp diễn viên khóa 2 trường Điện ảnh Việt Nam đã ký tên vào lá đơn đề nghị truy tặng danh hiệu NSND cho nghệ sĩ Phương Thanh.
Năm 2011, NSƯT Phương Thanh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và là một trong số ít nghệ sĩ Việt Nam có tên trong Bách khoa toàn thư điện ảnh Liên Xô. Tại buổi lễ trao tặng danh hiệu NSND, chồng của cố nghệ sĩ Phương Thanh là NSƯT Anh Dũng đã lên nhận thay vợ.