Quý Tường gặp bà Liên khi anh 24, còn bà 71 tuổi; họ đã có cuộc hôn nhân 16 năm hạnh phúc và khi người vợ qua đời, họ hẹn sẽ tiếp tục duyên nợ trong kiếp sau.
Ngụy Quý Tường sinh ra ở miền quê Quảng Tây (Trung Quốc) trong một gia đình nghèo. Hồi nhỏ, anh có bệnh về mắt nhưng do hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện chữa trị nên dần dần hai mắt anh bị hỏng.
Tuy mất thị lực nhưng Quý Tường không buông xuôi, mặc kệ số phận. Nhận thấy mình có đôi tai thính và giọng hát hay, anh liền học dân ca và bắt đầu mang tiếng hát đi phục vụ người dân quanh vùng.
Năm 24 tuổi, một bước ngoặt đến với cuộc đời Ngụy Quý Tường. Trong một chương trình của làng, anh đang biểu diễn thì có một gã đàn ông say rượu xông tấn công. Chàng thanh niên khiếm thị vô cùng sợ hãi. Bất ngờ, một bà lão chạy ra bảo vệ anh, ngăn chặn gã trai kia.
Cụ bà đó tên là Lam Tú Liên, hơn Quý Tường 47 tuổi. Bà sinh ra trong một gia đình nghèo khó, khi lớn lên bị gả vào nhà địa chủ và phải sống trong cảnh bị đánh đập, lăng mạ mỗi ngày.
Bà Liên cảm mến giọng hát hay và tính cách vui vẻ của Quý Tường. (Ảnh: Toutiao)
Khi người chồng qua đời, bà Liên bị gia đình chồng đuổi ra khỏi nhà, đành trở về với gia đình, và bố mẹ cô lại tiếp tục tìm mai mối để gả bà cho một người đàn ông khác. Cuộc hôn nhân thứ hai này tiếp tục đi vào ngõ cụt. Nhận thấy mình không thể tiếp tục chịu đựng nữa, dù gia đình phản đối, bà Liên vẫn kiên quyết ly hôn để sống cuộc đời của mình.
Được bà Liên ra tay bảo vệ, Quý Tường vô cùng cảm kích trước tấm lòng của người phụ nữ ra đời trước anh gần nửa thế kỷ. Còn bà Liên, cũng bị thu hút bởi tính cách lạc quan, hài hước của Quý Tường.
Sau khi quen biết, hai người có nhiều cơ hội để gần gũi, trò chuyện và hiểu nhau hơn. Quý Tường thường xuyên hát dân ca cho bà Liên nghe, giọng hát ngọt ngào đầy năng lượng của anh khiến bà thấy yêu đời. Còn Tú Liên thì rất chịu khó miêu tả cuộc sống xung quanh cho chàng trai khiếm thị dễ hình dung.
Cứ như vậy, hai tâm hồn cô đơn dần dần đến gần nhau hơn. Nhưng khi Quý Tường ngỏ ý muốn cưới Tú Liên, gia đình anh nhất định phản đối. Họ cho rằng đám cưới này sẽ không được xã hội chấp nhận và sẽ mang lại nỗi ô nhục cho gia đình.
Nhưng Quý Tường tin tưởng vào sự lựa chọn của mình, cho rằng tình cảm chân thành sẽ vượt qua khoảng cách tuổi tác. Sau rất nhiều nỗ lực, đám cưới đã diễn ra. Cuộc sống hôn nhân bị vây quah bởi những lời đàm tiếu không hề dễ dàng, nhưng cả hai đã nắm tay nhau vượt qua khó khăn.
Cuộc hôn nhân của họ ban đầu vấp phải sự chê cười của dân làng. (Ảnh: Toutiao)
Bà Liên dù đã già nhưng luôn cố gắng hết sức để chăm sóc Quý Tường. Còn Quý Tường chịu khó đi hát để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Tuy nghèo nhưng trong 16 năm chung sống, giữa họ chưa bao giờ xảy ra cãi vã.
Quý Tường thường nói: ” Dù không nhìn thấy nhưng tôi cảm nhận được tình yêu của bà ấy dành cho mình” . Còn bà Liên nói có Quý Tường ở bên, bà thấy mình như trẻ lại.
Cuộc sống của hai người tuy nghèo nhưng vô cùng hạnh phúc. (Ảnh: Toutiao)
Nhưng thời gian vốn tàn nhẫn, khi bà Liên 87 tuổi, sức khỏe sa sút nhanh chóng. Những giây phút cuối đời, Quý Tường vẫn ở bên, nắm tay vợ và hát cho bà nghe những câu dâu ca. Trong hơi thở cuối cùng, bà Liên hẹn anh sẽ tiếp tục là vợ chồng nếu còn kiếp sau. Câu nói khiến Quý Tường bật khóc, anh gật đầu đồng ý.
Sự ra đi của vợ khiến Quý Tường hết sức đau buồn. Tuy nhiên, vượt qua nỗi đau, anh tiếp tục đi hát và kể với mọi người về câu chuyện tình yêu của hai người. Chuyện tình 16 năm chiến thắng mọi khoảng cách của họ đã khiến dân làng vô cùng cảm phục.