Nghe tin vợ chồng của con dâu chuẩn bị mua miếng đất, bố mẹ chồng ngỏ ý cho chút đỉnh nhưng lại đưa ra đòi hỏi quá quắt.
Gần đây, mình đọc được tâm sự của một nàng dâu trẻ về việc bố mẹ chồng tuy dư ăn dư mặc nhưng có tật thường để ý đến vấn đề kinh tế của vợ chồng con trai. Nàng dâu cho rằng, việc vợ chồng cô thể hiện bổn phận con cái như biếu tiền, sắm quà, tậu đồ dùng trong nhà cho bố mẹ là điều dễ chấp nhận, không gì bàn cãi. Đôi khi, dù kinh tế đang ngặt nghèo nhưng vợ chồng cô vẫn chu toàn với bố mẹ.
“Phận làm con báo hiếu bố mẹ là điều nên làm. Nhưng bố mẹ vẫn dư ăn dư tiêu, các con lại chả thừa thãi gì. Thiết nghĩ ông bà nên tạo điều kiện cho con cái mới phải.
Bố mẹ chồng của tôi đều có lương hưu. Ông bà sống riêng không ở chung với đứa con nào. Lương hưu đảm bảo cho ông bà cuộc sống thoải mái chả cần suy nghĩ đến tiền nong. Thế nhưng ông bà vẫn thường xuyên viện cớ này cớ kia vay tiền vợ chồng của tôi. Tất nhiên nào có trả lại.
Các dịp lễ Tết, ông bà còn đặt ra tiêu chuẩn quà cáp hẳn hoi. Năm ngoái mẹ chồng đòi quà Tết 20 triệu, để bà sắm cái ti vi màn hình rộng, mẫu mã mới nhất xem cho đã mắt. Sau đó, tôi phải đi vay nợ tiêu nhằng cho qua cái Tết”, nàng dâu trải lòng.
(Ảnh minh họa: VietNamNet)
Những chuyện lặt vặt này nếu nghĩ thoáng thì chẳng quá đáng để làm ầm lên. Tuy vậy, dần dần nó cứ tích tụ và đến một ngày hẳn sẽ là giọt nước tràn ly. Nghĩ phận con cái, bố mẹ chồng cũng như bố mẹ mình nên nàng dâu thường nghe theo lời của ông bà, không lên tiếng dù đòi hỏi có khi quá sức. Nhưng đỉnh điểm là khi vợ chồng con dâu chuẩn bị mua đất cất nhà, bố mẹ chồng đã đưa ra giao kèo đặc biệt.
“Thời điểm tôi đang mang bầu bé thứ hai. Nghĩ rằng cứ thuê nhà mãi cũng không ổn, vợ chồng tôi có tích góp được một phần, còn lại vay mượn thêm mua mảnh đất 200 triệu hơi xa trung tâm. Ít nữa có tiền sẽ xây căn nhà nhỏ nhỏ làm nơi an cư.
Tôi đoán chồng cô có kể lại với bố mẹ chồng. Ông bà nghe được liền ngỏ ý muốn giúp đỡ vợ chồng tôi ít tiền. Ban đầu, tôi bất ngờ lắm cũng như có phần cảm động. Có lẽ bố mẹ chồng chẳng quá tệ như tôi vẫn lầm tưởng”, nàng dâu chia sẻ.
Tuy vậy, sau màn rưng rưng vì nghĩ bố mẹ chồng còn nghĩ đến các con, cho chút tiền để con xây dựng tổ ấm, nàng dâu ngỡ ngàng khi nghe lời đề nghị từ họ. Cụ thể, bố mẹ chồng cho 20 triệu nhưng chẳng hề “cho” mà muốn đứng tên miếng đất 200 triệu.
“Lúc đó tôi cảm giác như đang nghe truyện cười. Tôi không cần bố mẹ chồng cho hẳn 20 triệu kia, khi nào có vợ chồng tôi sẽ trả lại. Nhưng ông bà bỏ ra 20 triệu và ngang nhiên đòi đứng tên mảnh đất 200 triệu? Sao ông bà không ngượng miệng vậy?
Thấy thái độ bất mãn của tôi, chồng cho rằng anh không hài lòng. Anh bảo, đó là bố mẹ anh, nào phải người ngoài. Ông bà có đứng tên cũng là giữ cho vợ chồng tôi. Sau này cũng là của vợ chồng tôi, mất đi đâu được. Sau đó, anh còn quay ra trách vợ ích kỷ, tính toán thiệt hơn, lo được lo mất.
Khỏi phải nói, lúc đó tôi phẫn nộ cỡ nào. Chuyện vô lý đùng đùng như thế mà chồng với bố mẹ chồng lại làm như rất chính đáng, đúng đắn. Thử đặt trường hợp ngược lại, bố mẹ tôi bỏ ra 20 triệu và ông bà đứng tên mảnh đất, xem chồng tôi có “nhảy dựng” lên không!”, cô vợ bày tỏ.
(Ảnh minh họa: VietNamNet)
Đó là chưa kể, theo lời tâm sự của nàng dâu, bố mẹ chồng của cô không phải hết lòng vì con vì cháu: “Dưới chồng tôi còn một em trai. Mảnh đất đứng tên ông bà, sau này chú ấy cũng có phần. Tại sao mồ hôi công sức của vợ chồng tôi không được để cho con mình, lại phải chia cho em trai chồng!
Không cần phải nhịn làm gì, tôi bừng bừng nói thẳng với chồng: “Một là mình tự xoay cho đủ tiền và đứng tên 2 vợ chồng. Hai là ông bà tự bỏ hết ra, rồi ông bà thoải mái đứng tên như ý muốn. Mình sẽ tìm mảnh đất khác để mua. Nếu anh vẫn khăng khăng giữ ý kiến, vậy chả có mua bán đất đai gì nữa, cứ thuê nhà mà ở đi””.
Người chồng đứng giữa có phần khó xử bởi một bên là bố mẹ ruột, một bên là cô vợ đang rất “cứng”. Cuối cùng, anh này cũng “xuống nước”, bảo vợ có gì ấm ức thì tự đi nói với mẹ chồng.
“Ngay sau đó, tôi gọi cho mẹ chồng, thẳng thừng bảo bà: “Mẹ ơi, chúng con có đủ tiền rồi, không phiền bố mẹ nữa ạ. Nhưng nếu bố mẹ thích mảnh đất ấy quá thì chúng con sẽ đi tìm mảnh khác. Bố mẹ cứ gom đủ 200 triệu, chúng con sẽ dẫn 2 người đi gặp chủ đất làm thủ tục sang tên cho bố mẹ…”.
Mẹ chồng tôi nghe xong là nghẹn lời không nói được gì. Bà chắc chắn hậm hực không vui nhưng tôi chả muốn quan tâm nữa. Bởi để bà được vui vẻ thì những ấm ức, vô lý tôi phải chịu sẽ quá sức. Từ chuyện lần này, tôi thấm thía rút ra bài học, hãy cứ làm tròn bổn phận của mình, còn lại chẳng việc gì phải nhịn nhục, chấp nhận cay đắng vì ai cả”, nàng dâu trẻ giãi bày.
Con giun xéo mãi cũng quằn, câu nói này có phần thấm thía với trường hợp của nàng dâu trẻ trong câu chuyện trên. Từ ngày về làm dâu, cô đã luôn cố gắng chu toàn bổn phận với bố mẹ chồng, xem họ như bố mẹ ruột của mình. Ngặt nỗi, có lẽ trong mắt của ông bà chỉ nghĩ đến lợi ích, tiền bạc nên khiến nàng dâu cay đắng, dồn nén.