“Nhà ngoại cách chưa đầy chục cây số nhưng có khi 3, 4 tháng chồng em không đặt chân tới thăm bố mẹ vợ…”, người vợ kể.
Nỗi bất hạnh lớn nhất của phụ nữ không phải lấy chồng nghèo mà là cưới nhầm người đàn ông gia trưởng. Mới đây, một người vợ cũng vì quá bất bình trước cách hành xử vô tâm, độc đoán của chồng mà vào mạng xã hội chia sẻ câu chuyện gia đình mình.
Nội dung câu chuyện như sau:”Chồng em tính nết bảo thủ, làm vợ anh ấy lúc nào em cũng phải nhịn chồng như nhịn cơm sống. Anh ấy không bao giờ biết nhận mình sai nên em chẳng thể ngồi phân tích lý lẽ được. Nhiều khi ức chế chồng ngang ngược, em cũng nói lại rồi hai đứa to tiếng. Mệt ở chỗ người ngậm cục tức cuối cùng vẫn là em bởi anh ấy luôn chốt hạ bằng câu: ‘Đàn bà biết gì mà lắm lời’.
Bài chia sẻ của người vợ
Em ghét nhất chồng ở cách ăn ở thiếu công bằng giữa hai bên nội ngoại. Rõ ràng bố mẹ, anh chị em nhà em sống rất tình cảm, rất quý rể nhưng đối với họ, chồng em luôn giữ khoảng cách. Nhà ngoại có việc gọi 2 đứa về, anh toàn tỏ vẻ khó chịu, không thích cho vợ về. Anh ấy nói phận con gái lấy chồng phải biết yên phận lo cho nhà chồng, việc bố mẹ gọi cứ gọi, em tự phải biết tập trung lo việc nhà chồng. Chẳng thế mà nhà nội cách xa gần trăm cây số nhưng tháng nào vợ chồng con cái phải đưa nhau về thăm ông bà 1, 2 lần. Ngược lại nhà ngoại cách chưa đầy chục cây nhưng có khi 3, 4 tháng chồng em không đặt chân tới nhà thăm bố mẹ vợ.
Cuối tuần vừa rồi là giỗ ông nội em, bố mẹ gọi hai đứa đưa con về làm cỗ thắp hương. Tuy nhiên chồng em không cho vợ về, anh nói đời ông bà có bố mẹ lo, em phận cháu chắt lại còn là gái đã lấy chồng càng không cần phải về. Em vẫn nhẹ nhàng thuyết phục anh ấy để đưa con về cho vui vẻ nhưng anh lại tỏ thái độ cực khó chịu. Thậm chí anh ấy còn chỉ thẳng tay thách thức: ‘Tôi nói không về là không về. Nếu cô cố tình về bên đó thì xác định ở lại nhà bố mẹ cô luôn, khỏi về nhà này nữa’.
Nản với chồng, em không muốn đôi co thêm mà dắt con bắt xe về ngoại luôn, bỏ qua mọi lời thách thức, hằn học của lão ấy. Hôm đó, lão cũng không sang ngoại ăn giỗ. Mọi người hỏi, em đành đỡ lời rằng chồng bận việc không về được. Tối em cho 2 con ngủ lại nhà ông bà ngoại chứ như mọi khi cỗ bàn xong xuôi là em phải mau mải về nhà trình diện chồng.
Mặt chồng em vẫn dán vào tivi kiểu khó chịu, bơ vợ đi nhưng em cười nhạt bảo: ‘Nhà này một nửa công sức tôi làm ra, anh không có quyền cấm đoán tôi đi hay ở. Hơn nữa, tôi quay về là để chia tài sản cho rõ ràng. Xác định ly hôn thì mọi thứ phải phân minh, cái bát đôi đũa cũng phải chia sòng phẳng’.
Miệng nói, tay em đặt luôn đơn ly hôn đã ký sẵn tên lên mặt bàn giục chồng ký. Từ ngày lấy nhau, cãi vã cũng không ít lần nhưng chưa bao giờ em nhắc tới 2 từ ly hôn mà lần này em còn ký sẵn đơn thì chồng em đủ hiểu vợ nghiêm túc cỡ nào. Lão cứ ngồi ngây người, hết nhìn đơn ly hôn lại quay lên nhìn vợ. Em không thèm nói gì, tìm giấy bút để liệt kê tài sản đúng như lời đã nói ra. Thấy thế chồng em mới vội vàng xuống nước bảo từ từ vợ chồng nói chuyện. Em gạt phắt không nghe, cho tới khi chồng phải xin lỗi, nhận sai em mới thôi.
Ảnh minh họa
Đấy, rõ ràng nhiều khi mình nghĩ vợ chồng thôi thì 1 điều nhịn, 9 điều lành, kiểu như ‘cơm sôi bớt lửa’ nhưng lúc nào cũng nhận vai nhún nhường mệt mỏi, ức chế lắm. Có những khi phải vùng lên cho chồng hiểu rằng vợ cũng có chính kiến, quan điểm sống riêng để mà đôi bên tôn trọng nhau, không thể cứ 1 người nhún nhường, 1 người áp đảo như vậy”.
Cách hành xử bảo thủ, thiếu quan tâm tới nhà ngoại của người chồng trong câu chuyện trên thực sự khó có thể thông cảm nên vợ anh phản ứng gay gắt như vậy là điều hiển nhiên. Trong hôn nhân không chỉ có mối quan hệ giữa hai vợ chồng mà còn có nội ngoại đôi bên cần được quan tâm chăm sóc công bằng. Làm tốt điều đó hòa khí gia đình mới yên ấm, vợ chồng mới hạnh phúc bền lâu.