Tôi được dịp “hú hồn hú vía” trước sự ngây thơ của con trai.
Nhiều bố mẹ có thể không nhận ra rằng, bộ não của trẻ 3 tuổi chứa đựng một khả năng tưởng tượng vô cùng phong phú và mạnh mẽ, vượt xa những gì mà họ tưởng tượng. Chính vì như thế nên đôi khi trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày với con, bố mẹ thi thoảng sẽ được dịp “cười bể bụng” hoặc thót tim trước lời nói và hành động mà đứa trẻ thể hiện. Chỉ mới tối hôm qua thôi, tôi cũng đã rơi vào tình huống tương tự như thế.
Nhân dịp nghỉ hè, cũng như nhiều gia đình khác, tôi sắp xếp công việc trên phố đưa con về quê ngoại chơi vài ngày. Được về quê, thằng bé 4 tuổi nhà tôi thích lắm, vì ở đây có nhiều điều thú vị, lạ lẫm để con khám phá – những thứ mà trên thành phố con chưa bao giờ được trải nghiệm.
Ngày đầu tiên trôi qua trong niềm vui và tiếng cười của cả gia đình, nhưng sang buổi tối ngày thứ hai thì bỗng dưng con trai không chịu đi ngủ, mà liên tục chỉ tay ra phía cửa sổ hướng ra sau vườn nhà ông bà ngoại nói “có người tìm con”. Tôi đưa mắt ra nhìn dọc nhìn ngang nhưng có thấy bóng dáng người nào đâu.
Ảnh minh hoạ
Ban đầu tôi còn tưởng ông bà ra sau vườn làm gì đó rồi đùa với thằng cháu, tuy nhiên tôi thực sự không thấy ai ngoài vườn lúc đó cả. Điều này đã khiến tôi thót cả tim, và có chút lạnh ở sống lưng. Tôi giục con trai “Ngủ đi con, chắc con nhìn nhầm thôi chứ mẹ không thấy gì cả”.
Nói xong tôi đứng dậy định đi đóng cửa sổ lại, mặc dù trời mùa hè ở quê khá nóng và ban đầu tôi còn tính sẽ để cửa cho mát. Vậy mà con trai tôi vẫn tiếp tục chạy theo mẹ, thò tay ra cửa và chỉ cho tôi về “người lạ” đó. Lúc này tôi mới được trận “cười chảy nước mắt”. Hoá ra “người lạ” mà con trai tôi đang nhắc đến là con bù nhìn bố mẹ tôi dựng lên để xua đuổi chim, thú phá hoạ vườn rau củ ông bà đã dày công chăm sóc.
Trong làn gió, con bù nhìn bay bay nên con trai tôi tưởng là có người đang vẫy gọi mình. May là con bù nhìn bố mẹ tôi chế tạo ra cũng không mấy đáng sợ, lại khá thuận mắt nên thằng bé nhà tôi mới có thái độ đó. Chứ nếu nó được tạo hình rùng rợn thì hẳn con trai đã khóc toáng lên, còn tôi thì đến ngất xỉu mất thôi.
Ảnh minh hoạ
Biết được sự thật, tôi đóng cửa sổ lại để con trai không bị thu hút bởi con bù nhìn đó nữa. Khi lên giường đi ngủ, tôi đã nhẹ nhàng giải thích cho thằng bé về bù nhìn mà con đã nhìn thấy. Vì tò mò nên sáng hôm sau, con trai tôi đã dậy từ sớm rồi hào hứng chạy ra sau vườn để tìm hiểu, khám phá về con bù nhìn.
Phải công nhận một điều là, tụi nhỏ có sức tưởng tượng phong phú ghê! Về quê mới 2 ngày mà con trai tôi đã hỏi mẹ “hàng vạn câu hỏi vì sao”, có những câu hỏi và những hành động con làm khiến tôi ngơ cả người. Nhiều tình huống tôi cũng “bó tay”, không biết nói sao cho con hiểu. Mà cũng có đôi khi vì thằng bé hỏi nhiều quá, đến nỗi mà tôi chóng cả mặt, ù cả tai nên đã có chút bực bội và quát con. Giờ ngồi ngẫm lại thấy sao mình có lỗi quá, bởi trẻ nhỏ mà, đứa nào không như thế bố mẹ nhỉ?
Chắc vài ngày ở quê tôi còn sẽ phải “đau đầu nhức óc” dài dài, nhưng để con học hỏi được nhiều thứ, trải nghiệm và khám phá được nhiều điều thì cũng xứng đáng mà…
Tâm sự từ độc giả kimduyen…@gmail.com
Trẻ nhỏ sở hữu sức tưởng tượng và sự tò mò mạnh mẽ, thể hiện rõ rệt qua việc liên tục đặt ra những câu hỏi đầy sáng tạo về thế giới xung quanh. Những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng lại ẩn chứa sự tìm tòi và khám phá không ngừng, có thể khiến bố mẹ phải ngạc nhiên và đôi khi “giật mình” bởi độ sâu sắc và bất ngờ trong suy nghĩ của con.
Dù vậy, bố mẹ cần thấu hiểu rằng sự tò mò và tưởng tượng của trẻ là những yếu tố quan trọng cho sự phát triển trí tuệ và khả năng sáng tạo. Việc trẻ liên tục đặt câu hỏi không chỉ là cách chúng tìm hiểu về thế giới mà còn là phương tiện để phát triển kỹ năng tư duy phản biện, khả năng ngôn ngữ và trí tưởng tượng.
Mỗi câu hỏi được trả lời là một bước tiến giúp trẻ mở rộng hiểu biết, từ đó xây dựng nền tảng vững chắc cho quá trình học hỏi suốt đời. Hơn nữa, sự khuyến khích từ bố mẹ giúp trẻ phát triển lòng tự tin và niềm đam mê khám phá, những yếu tố cần thiết cho sự thành công trong tương lai.
Kiên nhẫn trả lời và khuyến khích con khám phá không chỉ giúp trẻ phát triển kỹ năng tư duy, mà còn xây dựng nền tảng cho sự học hỏi suốt đời. Thay vì cảm thấy phiền lòng, bố mẹ hãy xem việc trả lời các câu hỏi của con như một cơ hội để hỗ trợ và đồng hành cùng con trên con đường khám phá thế giới rộng lớn.
Mỗi lần bố mẹ dành thời gian giải thích và chia sẻ kiến thức, trẻ sẽ cảm nhận được sự quan tâm và tình yêu thương, tạo nên một môi trường học tập tích cực và đầy hứng khởi. Điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển trí tuệ mà còn gắn kết tình cảm gia đình, giúp trẻ cảm thấy an tâm và được khích lệ trong quá trình trưởng thành.