Lúc bàn chuyện cưới hỏi, nhà chồng tương lai đã nói ra 4 việc trọng đại, yêu cầu tôi phải làm theo.

Tôi và Dũng yêu nhau đã 3 năm rồi, hiện tại đang bàn chuyện đính hôn và tổ chức lễ cưới. Dũng là cháu đích tôn 3 đời của dòng họ. Gia đình anh rất gia giáo, truyền thống từ cách ăn mặc, nói năng, ứng xử. Căn nhà đang ở cũng là nhà cổ, đã xây dựng hơn 100 năm nay và được tu sửa, sơn mới lại, xây thêm phòng ốc chứ không phá bỏ nhà cũ. Nhìn vào cách bài trí nhà, khu vườn ngoài sân,… tôi đều cảm nhận được vẻ đẹp của thời gian và sự yên bình.

Tuy nhiên, mỗi lần đến nhà Dũng, tôi lại thấy áp lực. Bố mẹ anh đều là giảng viên đại học đã về hưu, họ chuẩn mực tuyệt đối trong cách ứng xử. Tôi phải vâng dạ, cung kính, lễ phép. Đến bữa cơm, mẹ anh sẽ bưng mâm cơm đến tận phòng của bà nội Dũng, ân cần mời mọc. Bà nội anh tuy già cả, gần 90 tuổi rồi nhưng tinh thần vẫn còn minh mẫn, vẫn nói chuyện rất tỉnh táo chứ không có chuyện bị lẫn giống những cụ già khác.

Khi ăn cơm, tôi phải mời cơm tất cả mọi người và trong lúc ăn không được phép trò chuyện với nhau. Ăn xong thì phải đi rửa mặt, súc miệng ngay và tuyệt đối không được phép xỉa răng, ho khạc (dù đang bị bệnh) trước mặt người khác. Còn rất nhiều quy định khác nữa mà mẹ chồng tôi nói đó là phép lịch sự và phép ứng xử của gia đình nên tôi cần học tập theo. Dũng cũng hay đùa, bảo trước khi cưới sẽ đưa cho tôi một bản A4 nội quy gia phong để tôi học, tránh xảy ra sơ sót trong quá trình chung sống bởi chắc chắn một điều, tôi phải làm dâu nhà anh vì anh là con trai độc đinh và là cháu đích tôn 3 đời.

Chưa cưới mà nhà chồng tương lai đã giao 4 việc trọng đại làm tôi xây xẩm mặt mày, chỉ muốn "bỏ của chạy lấy người" - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Hôm qua, bố mẹ Dũng đến nhà tôi để bàn bạc chuyện tổ chức lễ đính hôn và đám cưới. Từ chuyện may áo dài, váy cưới, hoa trang trí, chụp ảnh ngoại cảnh… bố mẹ chồng tương lai đều nghe theo ý của tôi và Dũng. Bà chỉ yêu cầu tôi may một bộ áo dài truyền thống thật đẹp để làm lễ gia tiên và váy cưới cần sự kín đáo.

Ông bà cũng nói luôn sẽ hỏi cưới tôi bằng một cuốn sổ đỏ (chúng tôi đăng ký kết hôn xong sẽ làm giấy tờ sang tên), 2 lượng vàng SJC, bộ trang sức bạch kim, nhẫn kim cương và 100 triệu tiền mặt. Và căn nhà, mảnh đất đang ở, nếu như tôi sống tốt, hiểu lễ nghĩa, ông bà cũng sẽ để cho vợ chồng tôi làm chủ.

Chưa kịp mừng, vừa nghe đến 4 yêu cầu trọng đại mà mẹ chồng tương lai đề cập, tôi đã khiếp vía.

– Thứ nhất, tôi phải sinh con ngay trong năm đầu tiên cưới, để gia đình có cháu nhỏ cho vui nhà vui cửa và ấm cúng. Gia đình khá giả nên bà muốn tôi sinh liên tiếp 3 đứa.

– Thứ hai, công việc của tôi là hướng dẫn viên du lịch, không phù hợp khi sống trong môi trường nhà chồng. Vậy nên bà muốn tôi nghỉ việc, về phụ việc kinh doanh cùng chồng.

– Thứ ba, gia đình chồng mỗi năm có 3 cái đám giỗ lớn và 6 cái đám giỗ nhỏ. Đám giỗ lớn sẽ mời từ 20-25 bàn. Đám giỗ nhỏ mời họ hàng, bà con trong họ, tầm 5-7 bàn. Và phải tự nấu toàn bộ chứ không được đặt dịch vụ nấu ăn nên mẹ chồng tương lai muốn tôi dành thời gian học một khóa nấu ăn, cắm hoa để còn lo chuyện cúng kính.

– Thứ tư, mỗi tháng, mẹ chồng sẽ đưa cho tôi 12 triệu để chi tiêu trong gia đình. Nhưng tôi phải tập ghi chép việc mua sắm, không được phung phí, chỉ mua thứ mình cần chứ không được mua thứ mình thích. Tiết kiệm là tốt nhất cho kinh tế gia đình. Tôi cũng không nên mặc váy ngắn quá đầu gối hay trang điểm đậm nữa vì đã có chồng rồi, không cần phải chưng diện.

Nghe 4 yêu cầu của nhà chồng tương lai, tôi xây xẩm mặt mày, chỉ muốn “bỏ của chạy lấy người”. Theo mọi người, tôi có nên tiếp tục chuyện đám cưới không hay thôi, dừng lại kịp lúc. Tôi yêu Dũng nhưng cảm thấy áp lực khi làm dâu nhà anh.