Khi cô giúp việc mang gửi trả túi rau đó, tôi mới ngỡ ra sự thật và ân hận vì những lời mình đã nói về mẹ chồng.
Suốt nhiều năm liền tôi vẫn luôn nghĩ mẹ chồng mình có tính keo kiệt với con cháu nên tôi cũng chẳng bao giờ mong cầu bà cho mình thứ gì cao sang mà tự lực cánh sinh. Thậm chí đã có những lời lẽ không hay về bà trước mặt con. Tôi thực sự đã thấy ân hận vì vô tình hình thành lối suy nghĩ không tốt cho chính con của mình.
Nói như trên là bởi vì suốt nhiều năm về làm dâu con trong nhà, tôi thấy mẹ chồng tôi chưa bao giờ dám chi tiêu thoáng tay mỗi lần có con cháu về quê chơi. Bởi bà cũng chỉ có một mình chồng tôi là con trai, thằng bé nhà tôi là cháu nội. Cả gia đình tôi đều sống trên thành phố, một mình bà sống dưới quê vì bố chồng tôi cũng đã mất. Mỗi lần đưa con về chơi với bà nội, bữa ăn cũng chỉ quanh quẩn những gì trong nhà có như gà, rau, cá,… đều là trong vườn nhà.
Trong khi chồng tôi nói “Ăn thế là đủ rồi” thì tôi lại thấy đó là do tính keo kiệt bủn xỉn của mẹ chồng, chỉ muốn dùng những gì có trong nhà chứ không bao giờ chịu bỏ tiền ra mà mua thứ khác dù là con cháu chẳng mấy khi có dịp về chơi.
Ảnh minh họa
Vậy nên mỗi khi có dịp gì đó tôi đều đùn đẩy cho chồng về còn hai mẹ con ở lại. Thằng con trai cũng vì thế mà thường bảo “con không thích về nhà bà đâu, về nhà bà khổ lắm”. Thế nhưng qua chuyện mới đây tôi bỗng nhận ra nhiều điều, có lẽ mình đã hiểu hơi sai cho mẹ chồng, không chỉ vậy còn hình thành lối suy nghĩ không tốt cho con trẻ về bà.
Chẳng là dịp Tết vừa qua chúng tôi có dự định sẽ về quê đón Tết nhưng chẳng may thằng con trai tôi lại đổ bệnh khá nặng và phải nhập viện điều trị, mãi cho gần đây mới được xuất viện. Thấy con cháu không về, mẹ chồng tôi cũng buồn, điện thoại lên hỏi thăm thì mới biết là do thằng cháu nội bị ốm. Ban đầu bà nói sẽ sắp xếp lên thăm cháu nội nhưng tôi nói không cần vì thực ra bà lên cũng không được việc gì mà khéo còn phải cơm nước cho bà nhiều.
Chắc bà phật ý nên sau đó cũng không bảo lên thăm nữa, viện cớ ở quê đầu năm nhiều việc nên chỉ điện lên hỏi thăm. Cách đây 1 tuần, có người ở quê lên khu vực gần nhà tôi nên mẹ chồng có gửi cho cháu nội ít quà quê để cháu tẩm bổ. Lúc tôi mở ra cũng chỉ là vài mớ rau ở vườn nhà như mọi khi cùng 1 bao gạo khoảng 5 kg. Mọi thứ đúng như dự đoán của tôi nên tôi có chép miệng nói:
– Biết ngay là bà cũng chẳng cho thằng cháu nội được cái gì ra hồn đâu mà hai bố con cứ ngóng, có chút rau với ít gạo thôi nhé.
Vậy là tôi chỉ giữ lại gạo còn chỗ rau thì cho cô giúp việc mang về nhà ăn.
Chuyện cứ thế qua đi vì mẹ chồng tôi cũng không nhắc tới mà tôi cũng không hỏi thăm gì hơn cho đến 1 tuần sau. Cô giúp việc bỗng mang trả lại túi rau và nói với tôi rằng:
– Nhà cô cũng ít ăn rau nên mang rau về là bỏ tủ lạnh luôn. Đến hôm nay con cô mở ra để lấy rau ăn thì mới thấy trong túi rau đó có 1 phong bì 5 triệu cháu ạ.
Ảnh minh họa
Tôi giật mình như không tin vào mắt mình, quả thực cô giúp việc đưa cho tôi 1 chiếc phong bì có 5 triệu trong đó cùng dòng chữ ghi ngoài phong bì “Chúc cháu nội của bà nhanh khỏe mạnh”. Tôi đứng im vì mọi thứ quá bất ngờ, đang chưa biết phải nói thế nào thì thằng con trai tôi cũng có mặt lúc đó lên tiếng:
– Ơ thì mẹ có khinh bà không có tiền đâu, chỉ là mẹ không biết bà bỏ tiền vào túi rau.
– Đâu có đâu, con thấy lần nào bố mẹ nói chuyện với nhau về bà mẹ cũng bảo “ôi bà nội thì làm gì có tiền”; “bà nội có bao giờ cho được 1 xu”; “bà nội chỉ giữ tiền cho mình thôi, đừng mơ cho con cháu”… Giờ bà cho nhiều tiền vậy rồi mẹ có thấy hối hận chưa?
Thằng con trai vừa đùa cợt vừa nói như vậy khiến tôi bỗng sượng trân với cô giúp việc. Quả thật những lời nó nói đúng thật, tôi cũng thường hay nói câu đó trước mặt con, tưởng chỉ nói vu vơ mà không ngờ nó ghi nhớ thật. Ngẫm lại tôi cũng thấy mình thật chả ra sao, lâu nay vẫn luôn không có sự tôn trọng lắm dành cho mẹ chồng chỉ vì bà không xởi lởi trong vấn đề tiền bạc. Thường hay nói xấu bà trước mặt chồng và con.
Do đó có lẽ tôi đã vô tình dần gieo rắc vào đầu con trai những suy nghĩ tương tự về bà nội của nó. Trong vụ này, mẹ chồng và con trai đã dạy cho tôi một bài học lớn, chắc chắn tôi phải thay đổi suy nghĩ và hành động của mình thì mới có thể nuôi dạy con được tốt hơn.