Khi cầm tập tiền trên tay, tôi bất giác ôm mặt khóc nức nở. Con gái gần 30 tuổi đầu chẳng báo hiếu được ngày nào, trái lại đến lúc sinh con lại cầm tiền dưỡng già của bố mẹ.
Chỉ còn 1 tháng nữa là đến ngày lâm bồn, tôi nằm trong phòng trọ mà nghĩ về số tiền vỏn vẹn tiết kiệm được để sinh con vừa tròn 10 triệu đồng. Chồng thất nghiệp 3 tháng nay chưa xin được việc, phải chạy xe ôm công nghệ cao kiếm sống qua ngày. Tôi thì nằm nhà chờ đẻ. Mỗi tháng tiền lương của chồng cũng chỉ vừa đủ chằn chặn tiền sinh hoạt phí. Tôi muốn làm thêm kiếm đồng ra đồng vào cũng khó vì cơ thể đã vô cùng nặng nề, ì ạch chờ đến ngày sinh.
Với 10 triệu này nếu sinh thường thì coi như cũng đủ, còn sinh mổ thì e rằng sẽ thiếu. Chồng tôi bảo sẽ cố gắng chạy thêm nhiều cuốc xe để tích tiền cho vợ đến ngày sinh nhưng thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, tôi sợ anh sẽ kiệt sức.
Tôi rà lại trong danh sách bạn bè thân thiết một số người có thể hỏi vay tiền, đúng lúc suy nghĩ miên man chưa biết mở lời với bạn thế nào, chuông điện thoại reo lên, là mẹ đẻ tôi gọi điện: “Địa chỉ mày ở đâu, đọc cho bác xe ôm chở mẹ vào. Mẹ lên thăm bác Tươi ở viện, tiện vào chơi với mày luôn, không đến lúc đi đẻ chưa chắc mẹ lên được”.
30 phút sau, dáng dấp gầy gò, tất tả xuất hiện trong xóm trọ. Mẹ mang cho chúng tôi bao nhiêu thực phẩm, nhìn đống đồ ăn xếp ngổn ngang, tôi vừa thương vừa trách mẹ “mang làm chi nhiều cho cực”.
Tôi nhìn những tờ tiền bám nhựa rau, cáu bẩn bỗng ôm mặt òa khóc. (Ảnh minh họa)
Thấy tôi ngần ngừ, mắt như sắp khóc, mẹ quả quyết: “Mẹ nghe người ta nói rồi, mày sinh thường không sao, chứ nếu sinh mổ là tốn kém này, từng này chưa chắc đã đủ. Bố mẹ chỉ gọi là gom góp với vợ chồng chúng mày thôi, ráng mẹ tròn con vuông là được”. Nói rồi bà đứng bật dậy bấm điện thoại gọi oang oang cho bác xe ôm hồi sáng, tất tả đi vào viện cho kịp giờ.
Lúc bà đi rồi, chỉ còn một mình trong căn phòng, tôi liền giở số tiền mẹ đưa. Trong sấp tiền được gói ghém kỹ có nhiều mệnh giá, tờ 100.000, 200.000 rồi có cả tờ 50.000 đồng cũ mèm bị rách được dán băng dính cẩn thận.
Tôi nhìn những tờ tiền bám nhựa rau, cáu bẩn bỗng ôm mặt òa khóc. Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh của mẹ trên những cánh đồng rau, mẹ gánh nước, gánh phân, bàn tay mẹ xén rau mỗi ngày mang ra chợ bán. Mỗi mớ rau chỉ vài nghìn đồng đã gồng gánh cả gia đình 4 người chúng tôi suốt bao nhiêu năm qua, cho chị em tôi được ăn học đàng hoàng.
Là con gái lớn, đi lấy chồng tôi chẳng báo hiếu được bậc sinh thành, lại lấy đi cả số tiền mà bố mẹ chắt chiu dành dưỡng già. Thế nhưng, nếu không có số tiền ấy, có lẽ tôi cũng chẳng biết bấu víu vào đâu khi mà ngày sinh con đã cận kề.