Tôi vừa xách valy về nhà sau 10 tháng lên Thủ đô bế cháu nội. Lúc tôi về, bà con làng xóm kéo đến, người cười người nói, người chúc mừng tôi đã “hoàn thành nghĩa vụ”. Tôi chỉ biết cười, nhưng lòng tôi thì đau như cắt…

Tôi năm nay 65 tuổi, ông nhà tôi đã bước sang tuổi 70. Chúng tôi có 4 người con, 3 gái, 1 trai. Con trai tôi là con út trong nhà. Năm vừa rồi, cháu lấy vợ và sinh được cậu con trai cả gia đình tôi phấn khởi vô cùng. Tôi nghe tin con dâu đẻ thì vội vàng tay xách nách mang, nào quần áo, nào mớ rau, con gà, bao gạo, quả trứng… lên Hà Nội để chăm con chăm cháu.

Lên đến nơi, thấy tôi lếch thếch, con trai tôi nhìn tôi rồi càu nhàu. Sau đó, cháu dặn dò tôi rằng, cuộc sống trên Hà Nội không giống như ở quê (căn nhà các con đang ở là nhà bố mẹ vợ cháu cho) phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Đặc biệt, khi chăm cháu thì phải thế này, chăm bà đẻ thì phải thế kia.

Tôi chỉ biết cười vì con trai tôi đã lớn và biết lo lắng cho vợ con, nhưng cháu quên rằng, tôi đã từng nuôi bốn đứa con nên sẽ không đến mức bỡ ngỡ.

Tuy nhiên, sống cùng các con chưa đầy 1 tháng, những sự khác biệt về quan điểm và lối sống của hai thế hệ đã thể hiện rõ khiến tôi rất bối rối.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tôi luôn nói những gì mình nghĩ, làm những việc mà những người nhà quê như tôi cho rằng bình thường, nhưng cách nói năng và hành động của tôi hình như khiến con dâu tôi không hài lòng. Cháu luôn cau có và tỏ ra khó chịu với tôi.

Tôi nhớ đấy là hôm đầu tiên tôi lên ở cùng, khi vào phòng của cháu, tôi cứ nghĩ như ở quê nên không gõ cửa, cũng không gọi cửa trước mà cứ thế đẩy cửa vào. Đúng lúc ấy, cháu đang mặc váy và nằm tơ hơ, thấy tôi vào, cháu hét ầm lên bảo “Bà làm gì thế?”, tôi chỉ cười: “Mẹ con đàn bà với nhau, có gì mà ngại”.

Sau đó, tôi vô tư không để ý đến vẻ khó chịu của con dâu. Vài lần sau, tôi lại mở cửa và vào như vậy, nhưng cháu không dừng ở mức ấm ức trong lòng nữa mà hét lên bảo tôi “mất lịch sự”.

Tôi rất bất ngờ và tự ái. Tuy nhiên, nghĩ đến con dâu mới sinh, tâm tính còn chưa ổn định nên tôi cho qua. Thế nhưng, càng sống, những bất đồng và mâu thuẫn giữa chúng tôi càng lớn.

Cháu khóc, tôi bế và dỗ cháu (trong lúc mẹ nó đi vệ sinh) nhưng càng dỗ, cháu càng khóc, vì thế tôi bế cháu ra võng ngồi đung đưa. Đang đung đưa thì con dâu tôi chạy ra, nó giật đứa cháu trên tay tôi, bảo tôi muốn giết cháu hay sao mà đung đưa mạnh thế. Sau đó, con dâu tôi bế đứa bé vào phòng và đóng sầm cửa lại. Đứa bé bị giật mình nên lại khóc.

Lần này, tôi quá bực nên đã vào phòng để nói chuyện phải trái với con dâu. Con dâu tôi nghe tôi nói, cháu không nói gì, nhưng từ đó, tôi làm gì cháu cũng không ưa.

Cơm tôi nấu, cháu gẩy gót rồi lại bắt con trai tôi đổ đi, nấu lại. Tôi vừa tiếc công mình, vừa tiếc của nên cứ cằn nhằn, bảo các con không nên hoang phí như vậy. Đổ đồ ăn đi là “phải tội”…

Nhưng con dâu tôi lại vin vào câu nói đó để bảo rằng, tôi trù ẻo cho trời phạt chúng nó vì cái việc đổ đồ ăn đi. Sau đó, nó gọi điện cho con trai tôi mà chửi rủa và bảo con trai tôi “Tống cổ cái bà nhà quê ấy về đi”.

Trời ơi, tôi nghe rõ từng câu nên giận và buồn vô cùng. Tối đó, tôi chỉ nấu cơm cho các con mà không ăn.

Hôm sau, tôi ngủ dậy, không nhớ nổi là cái ví đi chợ của tôi, tôi đã để quên ở đâu. Vì thế, tôi cứ tìm khắp nhà, tìm đến đâu, tôi lẩm nhẩm trách mình đến đó. Con dâu tôi thấy tôi nhẩm nhẩm thì cho rằng, tôi đang đổ tội cho cháu ăn cắp chiếc ví vì thế nó làm ầm lên.

Tôi đã phân tích, bảo, ý tôi không phải như vậy, nhưng nó không nghe, cứ làm ầm ĩ. Lúc này, vì đã có quá nhiều bức xúc nên tôi không kiềm chế được mình, tôi đã bung hết những bực tức trong lòng.

Tôi bảo: “Tôi đã bỏ nhà bỏ cửa để lên chăm con chăm cháu nhưng bù lại tôi đã bị đối xử không khác gì con ở…”. Nói chung là tôi nói khá nhiều và khá gay gắt.

Không ngờ được, trong lúc tôi đứng nói thì con dâu tôi chạy vào phòng, điện cho con trai tôi về rồi nhét hết quần áo của tôi vào valy và vứt ra cửa đuổi tôi “cút xéo”, nó “không cần” nữa.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Con trai tôi về, thấy cảnh tượng như vậy nhưng cháu không những không quát vợ mình mà bảo tôi “Mẹ lên đây đã chăm không nổi cháu còn phá nát gia đình con cái”.

Tôi đau đớn đến nghẹn lòng, tôi vội cầm lấy cái valy và chạy ra cửa… nước mắt lưng tròng. Một lúc sau, con trai tôi phi xe đuổi theo, nó không đón tôi về mà bảo tôi lên xe để nó chở ra bến, nhưng tôi không đồng ý, tôi gọi xe ôm mà quay mặt đi.

Về đến nhà, tôi không dám hé một lời với ai vì sợ người ta đánh giá gia đình mình và cười chê con mình. Thế nhưng, càng nghĩ, tôi càng thấy chua chát quá. Tôi về nhà 6 hôm mà không một đứa nào gọi điện xin lỗi hay hỏi han đến tôi.

Sáng nay, con trai tôi mới gọi cho tôi, tôi nhìn thấy số máy của con mà mừng thầm vì cuối cùng con tôi cũng đã biết nghĩ đến mẹ thế nhưng trong cuộc điện thoại, nó chỉ bảo tôi thu xếp lên ngay để bế cháu cho vợ nó còn đi làm. Nhà nó chưa thuê kịp giúp việc.

Tôi không muốn lên Hà Nội một chút nào, nhưng nếu tôi không lên, sau này về già, chúng lại lôi chuyện tôi không giúp đỡ, bế bồng các cháu ra để nói thì làm thế nào?

Tôi có nên cất giữ sự nhục nhã và nhẫn nhịn các con để làm tròn nghĩa vụ của người bà nội hay không?