Lo lắng trong thời gian sinh con sẽ không có ai chăm sóc chồng, người vợ đã nấu sẵn bữa tối cho 30 ngày rồi bỏ vào ngăn đá.

Vợ chuẩn bị lâm bồn vẫn nấu cơm cho chồng

Theo đó, tranh cãi nổ ra khi người phụ nữ chia sẻ trên mạng xã hội X rằng cô đã chuẩn bị những bữa ăn cho chồng trước ngày dự sinh vào ngày 21/5 vì cô sẽ về nhà bố mẹ đẻ để hồi phục sức khỏe sau sinh.

Cô lo lắng chồng mình sẽ không được ăn uống đầy đủ khi cô vắng nhà nên đã chu đáo nấu những bữa tối đầy đủ dinh dưỡng cho 30 ngày rồi cất vào tủ đông.

Hành động của người vợ đã khiến cộng đồng mạng chỉ trích mạnh mẽ người chồng.

Một số bình luận khen ngợi sự đảm đang của cô nhưng cũng nhắc nhở rằng đàn ông phải có những kỹ năng cơ bản trong các công việc nội trợ.

Trước ngày lâm bồn, người phụ nữ chuẩn bị sẵn bữa tối trong 1 tháng cho chồng vì lo ăn uống thiếu dinh dưỡng: CĐM phẫn nộ, là tình yêu hay sự cam chịu đến mù quáng- Ảnh 1.

Người vợ nấu sẵn 30 bữa tối rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh – Ảnh: weibo

Những người khác thẳng thắn hơn: “Người chồng nào lại để người vợ đang mang bầu nặng nề chuẩn bị bữa tối cho cả tháng? Có phải anh ta thường chẳng làm gì ở nhà không? Không phải là quá nuông chiều anh ta sao?”

“Chồng bạn là học sinh cấp hai phải không? Anh ấy không thể tự chuẩn bị bữa ăn cho mình sao?” một người khác hỏi.

Một số người bày tỏ sự thất vọng, chỉ ra rằng những “người vợ tận tụy” như vậy góp phần tạo nên một nền văn hóa nuôi dưỡng những người đàn ông chưa trưởng thành, không có khả năng tự lập.

Người vợ sau đó đã lên tiếng bênh vực chồng của mình, cô cho biết, cô chuẩn bị bữa tối vì chồng cô đi làm về rất muộn và anh luôn rất thông cảm và thấu hiểu cô trong suốt thời gian cô mang thai.

Vụ việc này không chỉ gây xôn xao ở Nhật Bản mà còn lan rộng trên mạng xã hội ở Trung Quốc.

Có người bày tỏ sự thương cảm với người vợ và cho rằng người chồng của cô đang sống như “người thực vật.”

“Không phải tất cả các nước Đông Á đều như vậy sao? Khi mẹ tôi chuyển sang sống cùng tôi để giúp chăm em bé, bà đã quên chuẩn bị đồ ăn cho bố tôi. Và ông đã sống sót nhờ bánh bao và mỳ trong ba tháng, thậm chí còn giảm cân trong thời gian đó,” một người đàn ông ở Trung Quốc bình luận.

“Đàn ông thực sự không thể tồn tại được lâu nếu không có sự quan tâm của vợ. Nếu chúng tôi đi đâu đó và về nhà sau vài tháng sau, có lẽ chúng tôi chỉ tìm thấy một xác ướp ở nhà,” một người phụ nữ hài hước viết.

Trước ngày lâm bồn, người phụ nữ chuẩn bị sẵn bữa tối trong 1 tháng cho chồng vì lo ăn uống thiếu dinh dưỡng: CĐM phẫn nộ, là tình yêu hay sự cam chịu đến mù quáng- Ảnh 2.

Phụ nữ Nhật Bản quen với việc phải phục vụ chồng con

“Văn hóa” chịu đựng của người phụ nữ Nhật Bản

Do ảnh hưởng một phần từ văn hóa tín ngưỡng lâu đời, ngay từ khi còn nhỏ, các bé gái tại Nhật Bản đã được đối xử hoàn toàn khác biệt với các bé trai, vị thế cũng không quan trọng bằng. Đến khi lớn lên, người phụ nữ cũng dần nhận ra rằng sớm muộn gì, số phận họ cũng đi đến chặng cuối cùng đó là kết hôn, họ cũng chẳng có nhiều quyền lợi hơn, công việc duy nhất là sinh con và nuôi dưỡng chúng.

Trong ngôn ngữ Nhật Bản, thậm chí còn có hẳn một cách diễn đạt riêng có thể được dịch thành “đàn ông được coi trọng còn phụ nữ bị coi thường”. Đàn ông gọi vợ với đại từ thường được dùng với người có địa vị thấp. Và phụ nữ, ngược lại, phải xưng hô với chồng với một đại từ dành cho người ở địa vị cao.

Một người đàn ông sẽ được cho là hoàn thành nhiệm vụ nếu như có thể chu cấp tiền bạc và một nơi để ở cho vợ. Đổi lại, họ chỉ yêu cầu một thứ đó là “thoải mái”.

Trước ngày lâm bồn, người phụ nữ chuẩn bị sẵn bữa tối trong 1 tháng cho chồng vì lo ăn uống thiếu dinh dưỡng: CĐM phẫn nộ, là tình yêu hay sự cam chịu đến mù quáng- Ảnh 3.

Việc nam giới không tham gia chăm sóc con cái và nội trợ là nguyên nhân cố hữu dẫn đến tỷ lệ sinh giảm liên tục ở Nhật Bản

Theo số liệu do Bộ Y tế Nhật Bản công bố hồi đầu năm, việc nam giới không tham gia chăm sóc con cái và nội trợ là nguyên nhân cố hữu dẫn đến tỷ lệ sinh giảm liên tục ở Nhật Bản, từ hơn 1 triệu ca sinh vào năm 2015 xuống còn khoảng 758.000 ca sinh vào năm ngoái.

Mặc dù đã có sự thay đổi khi tỷ lệ hộ gia đình có các bà nội trợ toàn thời gian ở mức dưới 30%, nhưng gánh nặng chăm sóc con cái và nội trợ vẫn đè nặng lên vai phụ nữ một cách không cân xứng.

Theo một cuộc khảo sát của chính phủ, phụ nữ trong các gia đình có hai người lao động có con dưới 6 tuổi dành trung bình 6 giờ 32 phút mỗi ngày để làm việc nhà và chăm sóc con cái, trong khi con số này ở nam giới là chưa tới 2 giờ.

Vì vậy, ngày 13/3, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua đạo luật yêu cầu nhiều công ty công bố thông tin về việc sử dụng thời gian nghỉ thai sản cùng với các biện pháp khác để khuyến khích các ông bố đóng góp nhiều hơn vào việc nhà.

Các doanh nghiệp có hơn 300 nhân viên sẽ cần công bố tỷ lệ sử dụng thời gian nghỉ thai sản và các doanh nghiệp có trên 100 nhân viên sẽ phải thiết lập và công bố mục tiêu.

Theo SCMP

Nguyễn Phượng