Từ vụ việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị cấm diễn 9 tháng, phạt hành chính 27,5 triệu đồng vì mặc trang phục biểu diễn có huy hiệu lạ, nhiều sinh viên, nhà thiết kế thời trang trẻ cần cẩn trọng trong việc sáng tạo để không làm ra những sản phẩm, hình ảnh trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Theo Báo Thanh Niên đã đưa tin trước đó, liên quan đến vụ mặc trang phục biểu diễn có huy hiệu lạ, Đàm Vĩnh Hưng bị xử phạt hành chính 27,5 triệu đồng. Đàm Vĩnh Hưng cũng bị cấm biểu diễn trong vòng 9 tháng.

Trong quyết định xử phạt được bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch UBND TP.HCM ký nêu rõ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vi phạm vì “biểu diễn nghệ thuật sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội”.

Từ vụ Đàm Vĩnh Hưng bị cấm diễn 9 tháng: Thời trang cần sáng tạo nhưng…- Ảnh 1.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị cấm diễn 9 tháng, phạt hành chính 27,5 triệu đồng vì mặc trang phục biểu diễn có huy hiệu lạ

NVCC

Trước đó, trong đêm nhạc Ngày em thắp sao trời, Đàm Vĩnh Hưng diện trang phục có gắn một số phụ kiện trên ngực áo khi biểu diễn các nhạc phẩm: Biển tình, Người đi ngoài phố, Nếu đời không có anh… Hình ảnh này của Đàm Vĩnh Hưng gây tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều người yêu cầu làm rõ các huy hiệu được Đàm Vĩnh Hưng sử dụng trên áo vì cho rằng nhạy cảm.

Từ câu chuyện của Đàm Vĩnh Hưng, các nhà thiết kế trẻ cần cẩn trọng trong quá trình sáng tạo thời trang.

Nhà thiết kế Phan Xuân Giàu, người từng thực hiện bộ trang phục mang tên Bánh tráng cho đại diện Việt Nam mà MC Đặng Dương Thanh Thanh Huyền dự thi Miss Charm 2023 (Hoa hậu Sắc đẹp quốc tế) cho biết: “Là một nhà thiết kế trẻ, mình luôn cẩn trọng, lưu ý trong quá trình sáng tạo, lấy cảm hứng từ một sự vật, hiện tượng nào đó. Người làm thời trang cần nghiên cứu, hiểu rõ để không rơi vào tình trạng tạo ra những sản phẩm gây hiểu lầm, nhạy cảm, trái với thuần phong mỹ tục”.

Giàu cho biết để làm được điều này cần hiểu sâu, nghiên cứu kiến thức về lịch sử, văn hóa của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu những nhà thiết kế muốn mang yếu tố văn hóa vào trang phục thì họ phải làm đúng, không được phép phá cách quá mức làm biến đổi đi nét đẹp vốn có.

Từ vụ Đàm Vĩnh Hưng bị cấm diễn 9 tháng: Thời trang cần sáng tạo nhưng…- Ảnh 2.

Sinh viên, nhà thiết kế trẻ cần có kiến thức, cẩn trọng khi mượn các yếu tố văn hóa áp dụng vào thời trang

KIM NGỌC NGHIÊN

“Khi làm việc với những người nổi tiếng thì mình càng phải cẩn trọng, chú ý đến vấn đề gây hiểu lầm, đặc biệt là liên quan đến văn hóa, chính trị. Nếu như không cẩn thận, người nổi tiếng có thể bị ảnh hưởng và danh tiếng trong nghề của nhà thiết kế cũng lung lay”, Giàu chia sẻ.

Nhà thiết kế Tạ Đức Phú, từng là thủ khoa đồ án ngành thiết kế thời trang của Trường ĐH Văn Lang, cho biết: “Sinh viên ngành thời trang đã được học và tìm hiểu rõ về môn phân tích đối tượng khách hàng. Môn này giúp hiểu rõ về cá tính, sở thích ăn mặc, bạn bè của khách hàng, lối sống… để có một cái nhìn tổng quan về họ, rồi mới bắt đầu thiết kế trang phục phù hợp. Vì vậy, việc nắm vững các kiến thức của môn ở bậc đại học sẽ giúp cho sinh viên có nền tảng kiến thức tốt để không mắc phải những sai lầm không đáng có”.

Phú cho biết là một nhà thiết kế, ngoài khả năng sáng tạo, khéo léo thì phải thật vững kiến thức về lịch sử thời trang, các nền văn minh trên thế giới… Ngoài ra, phải thật sự nghiêm túc trong từng nét bút, đảm bảo thiết kế vừa thỏa mãn được các yêu cầu đặc biệt mà vẫn phù hợp với thuần phong, mỹ tục.

“Trong quá trình làm việc, khách hàng sẽ yêu cầu gửi gắm những yếu tố mà họ tâm đắc vào trang phục. Tuy nhiên, nhà thiết kế cần nên chắt lọc và cân đối để tránh những sự cố không mong muốn. Lúc này, khả năng giải thích, thuyết phục trở nên cần thiết vô cùng đối với một nhà thiết kế”, Phú chia sẻ.

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Khiêm, Trưởng bộ môn thiết kế thời trang, Khoa Mỹ thuật công nghiệp, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết: “Việc học thiết kế thời trang giúp sinh viên thể hiện được cá tính. Tuy nhiên, trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, những dính mắc về các phạm trù thuần phong mỹ tục, đạo đức trong văn hóa mặc của người trẻ thường xuyên xuất hiện. Vấn đề này có những yếu tố chi phối như ý thức về chuẩn mực đạo đức, xã hội của người trẻ chưa thật sự đầy đủ”.

Thạc sĩ Khiêm nói thêm: “Sự cập nhật các xu hướng thời trang mới là một điều hay, tuy nhiên khi đưa vào vận dụng thì không phù hợp với điều kiện sống và hoàn cảnh. Các bạn trẻ có lợi thế sáng tạo nhưng việc quá đề cao cảm xúc cá nhân và mong muốn thể hiện cái tôi sẽ có nguy cơ dẫn đến việc bất chấp những nguyên tắc xã hội…”.

Thạc sĩ Khiêm cho rằng trong quá trình học đại học, sinh viên cần phải hoàn thiện các kỹ năng sống, nhận thức xã hội. “Trong các đồ án thường là sự kết hợp giữa ý tưởng và xu hướng thời trang để tạo ra các thiết kế mới lạ. Vì vậy, khi sáng tác các bạn cần phải lưu ý xu hướng có phù hợp với vị trí địa lý và phong tục văn hóa bản địa hay không”, thạc sĩ Khiêm chia sẻ.

Thạc sĩ Khiêm nói thêm: “Sinh viên, nhà thiết kế trẻ phải có kiến thức rõ ràng về đối tượng mình đang nghiên cứu, tránh sơ sài và tạo ra sản phẩm hời hợt, đôi khi vô ý vi phạm các quy tắc chung của cộng đồng. Sáng tạo phải đi đôi với sự hiểu biết và duy lý, tránh đổ thừa cho cảm xúc, bao biện bằng cá tính của bản thân khi xuất hiện sai sót”.