Trong việc nuôi dạy con, tôi được nhiều người nhận xét là khá khó tính. Quả thực tôi cũng công nhận điều đó, vì có như vậy thì mới giáo dục tụi nhỏ nên người. Chính vì tính tôi kỹ như thế nên việc cháu trai lên nhà ở lại thời gian gần đây, đã khiến tôi không thể nào chịu được.

Anh hai và chị dâu có chuyến công tác ở nước ngoài khoảng 1 tháng, nên có gửi con trai lên nhà tôi ở lại chơi hè. Thằng bé năm nay vừa mới thi đại học xong và đang chờ kết quả. Mới chỉ một tuần kể từ khi cháu nó lên ở lại, mà tôi đã sôi máu không biết bao nhiêu lần vì lối sống “vô phép, vô tắc” của thằng bé.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Có vẻ như ở nhà là con trai một nên cháu được cưng chiều thành hư. Lớn rồi, đã đủ tuổi chịu trách nhiệm công dân rồi nhưng tính tự lập thì chưa thấy đâu. Ngày nào cũng ngoài việc ăn nằm, chơi ra thì không phụ giúp gì được cho tôi cả, ngược lại còn bắt tôi phải phục vụ nó.

Bình thường ở nhà tôi chăm 2 con đã đủ nhọc rồi, giờ thêm đứa trẻ lớn nhưng chưa chịu trưởng thành này nữa thì hẳn không cần nói mọi người cũng hình dung mỗi ngày tôi phải “ba đầu, sáu tay” ra sao. Nếu cháu nó có lối sống nề nếp thì mọi chuyện đã dễ dàng hơn rất nhiều, đằng này đã nấu cho ăn mà thằng bé còn không biết dọn, ngược lại xả thêm ra.

Ban đầu tôi dọn dẹp phòng cho cháu ở cực kỳ ngăn nắp, thơm tho nhưng 7 ngày nó ở giờ cái phòng chẳng khác gì khu rác cả. Mặc dù khi được nhắc nhở, cháu trai tôi vẫn ngoan ngoãn thực hiện. Tuy nhiên con chưa bao giờ chủ động, vẫn “chứng nào tật nấy” ngay vào lần sau. Tôi rất ghét những đứa trẻ mà nói tai này lại lọt qua tai khác giống như thế.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Không biết ở nhà chị dâu đã dạy thằng bé ra sao, chứ thực sự làm anh lớn nhưng cháu nó còn thua cả 2 đứa con của tôi. Ngày nào các con cũng báo cáo, kiện thưa sao anh lại làm thế này, thế kia khiến tôi đau hết cả đầu. Tôi lo lắng cứ tình hình này thì các con cũng sẽ học theo “thói hư, tật xấu” của anh họ mất thôi.

Nhiều lần tôi tức điên đến mức muốn đuổi cháu nó về, nhưng vẫn không làm thế được vì dù sao nó cũng là cháu mình. Hơn nữa, là anh chị hai đã nhờ vả, nếu không giúp thì hoá ra tôi quá tệ. Tuổi nhỏ dễ dạy bảo, chứ càng lớn, có cái tôi riêng thì lại càng khó. Thế nên dù rất muốn uốn nắn lại cháu trai của mình, nhưng tôi biết chuyện này không dễ dàng gì. Tôi cần phải cực kỳ kiên nhẫn, và cần bỏ ra thời gian dài để có thể “mưa dầm thấm lâu”.

Có mẹ nào rơi vào hoàn cảnh giống như tôi không, mọi người sẽ xử lý như thế nào cho “khéo” bây giờ, mách tôi cách với nhé…

Tâm sự từ độc giả hoaiphuong…@gmail.com

Trẻ em, nhất là trong giai đoạn vị thành niên, rất dễ bị ảnh hưởng và bắt chước những hành vi, thái độ của những người xung quanh, đặc biệt là những người lớn tuổi hơn và được coi là “hình mẫu”. Điều này có thể được lý giải thông qua lý thuyết về sự học tập qua quan sát của Albert Bandura. Ông cho rằng trẻ em học được rất nhiều hành vi, kỹ năng mới thông qua việc quan sát và bắt chước những người khác. Cha mẹ, người thân, thầy cô và bạn bè chính là những “hình mẫu” quan trọng mà trẻ có thể học tập và noi theo.

Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh khi những “hình mẫu” này lại thể hiện những hành vi, thái độ tiêu cực không như mong đợi. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ cao về việc trẻ em sẽ học theo, và áp dụng những hành vi không phù hợp vào cuộc sống của chính mình. Như trong đoạn nội dung trên, người mẹ lo lắng khi con cái của mình bị ảnh hưởng bởi những hành vi tiêu cực từ anh họ là chuyện dễ hiểu và hoàn toàn có cơ sở.

Vấn đề này không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ, mà còn có thể dẫn đến những hệ lụy khác như xung đột gia đình, giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí là những hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, việc giải quyết vấn đề này nên càng sớm càng tốt.

Các bậc cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng và điều chỉnh hành vi của con cái. Bố mẹ cần trở thành những tấm gương sáng, thể hiện những hành vi, giá trị đúng đắn để con cái noi theo. Cha mẹ cần ý thức được tầm quan trọng của việc trở thành những người “mẫu mực” trong mắt con cái, và thường xuyên theo dõi, can thiệp kịp thời khi nhận thấy con có dấu hiệu học tập những hành vi không phù hợp từ những người xung quanh.

Nếu người có thói quen xấu lại là người trong gia đình như cô dì chú bác…lúc này, bố mẹ nên giúp trẻ phân biệt những hành động, lời nói nào là nên học hỏi hay không nên bắt chước theo. Bố mẹ cũng nên giải thích rõ ràng tác hại của những hành động, lời nói, thói quen xấu mà trẻ không nên làm theo. Chẳng hạn, nếu trẻ nói bậy, chửi thề sẽ trở thành người mất lịch sự, bị bạn bè xa lánh. Nếu trẻ mải mê yêu đương sẽ ảnh hưởng học tập. Nếu trẻ không biết giữ vệ sinh sẽ làm vi khuẩn chui vào cơ thể gây bệnh…

Cuối cùng, khi trẻ hình thành được thói quen tốt nào có thể khen ngợi con để trẻ cảm thấy thích thú. Ngược lại nếu trẻ có thói quen bắt chước nào xấu, hãy thẳng thắn giúp trẻ nhận ra điều đó là không nên. Những lần sau đó, con sẽ phân biệt được đâu là thói quen tốt – xấu để thực hiện.