‘Hai con trai hưởng tám phần, con gái chỉ hai phần, chứ dứt khoát không chia đều’, tôi nói rõ quan điểm chia thừa kế của mình với các con.

Vợ chồng tôi sống tại TP HCM, có hai con trai và một con gái. Hiện tại các con tôi đang còn nhỏ tuổi, nhưng chúng đều hiểu rõ quan điểm của tôi về chuyện thừa kế tài sản: con trai sẽ được hưởng tài sản nhiều hơn con gái, chứ dứt khoát không chia đều. Ví dụ, tôi có 10 phần, thì sẽ chia cho hai con trai tám phần, hai phần còn lại thuộc về con gái.

Tôi yêu con gái của mình như công chúa, nhưng phân chia tài sản thì không thể đòi hỏi bằng như hai người anh trai của con được. Đơn giản vì con gái tôi lấy chồng sẽ phải theo chồng, lo thờ phụng nhà chồng và con của con sinh ra cũng sẽ mang họ chồng.

Vợ chồng tôi cũng thống nhất, con nào lập gia đình cũng sẽ phải ra ở riêng, không cho ở chung với bố mẹ, kể cả dâu – rể, để tránh tình trạng người ở chung sẽ phát sinh tư tưởng không tốt về tài sản (cho rằng mình phải được phần nhiều hơn), dẫn đến bất đồng trong anh em.

Luật chia tài sản khi bố mẹ còn sống gồm những gì?

Tôi nói rõ với hai con trai, và cũng yêu cầu chúng nói rõ quan điểm với bạn gái (vợ tương lai) rằng: nếu các con có ý định tiến đến hôn nhân, tôi không yêu cầu đứa nào phải về làm dâu, đặc biệt không chấp nhận ở rể. Mỗi đứa con tôi khi lập gia đình sẽ có một căn nhà riêng để ở và làm việc, không được sang tên. Chúng tôi lập di chúc và các con chỉ nhận được tài sản khi cha mẹ qua đời.

Thực tế, khi vướng vào tham, sân, si, thì ruột thịt, máu mủ cũng không bằng tiền. Ai cũng biết rằng, chết là hết, tài sản không thể mang theo được, nhưng mấy ai vượt qua được lòng tham vì lợi ích cá nhân? Nhà tôi cũng thế, khi cha mẹ đi định cư, nhà để lại cho chị gái và anh rể tôi trông coi. Họ kinh doanh sinh lợi, rồi lâu dần nảy sinh lòng tham, muốn độc chiếm căn nhà.

Tôi thấy buồn và chỉ mong anh chị sớm hiểu ra rằng làm như thế là đang đi đến thất bại. Ông trời có mắt, vũ trụ vận hành theo quy luật nhân quả, vì thế cố đừng làm đau ai, cũng đừng tham những gì không phải của mình.