Theo luật sư, cơ quan chức năng sẽ tổ chức khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ để xác định nguyên nhân của vụ cháy, xác định trách nhiệm của các bên liên quan.

Rạng sáng 24/5, vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra tại phố Trung Kính (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) khiến 14 người tử vong và 3 người khác bị thương.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Hà Thị Khuyên (Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính) cho biết, thời gian qua cả nước, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, liên tiếp xảy ra các vụ cháy lớn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không những thiệt hại lớn về tài sản mà có tới hàng chục người thiệt mạng, hậu quả hết sức tang thương.

“Đây là thực trạng hết sức báo động trước tình trạng vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy thời gian qua”, luật sư nói và nhận định nguyên nhân gốc rễ có thể đến từ hệ thống hạ tầng, xây dựng, giao thông khi cấp phép xây dựng không tuân thủ kỹ thuật phòng cháy chữa cháy; nhà trong ngõ ngách di chuyển khó khăn… nhưng vẫn được cấp phép xây dựng rất cao; không có hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Ai chịu trách nhiệm trong vụ cháy 14 người chết ở Hà Nội? - 1Bên trong sân nhà trọ ngổn ngang khung xác của xe máy điện, xe đạp điện (Ảnh: Mạnh Quân).

Ngoài ra, luật sư cho rằng những hoạt động kinh doanh (kinh doanh xe đạp điện) phải bắt buộc đảm bảo phòng cháy chữa cháy nhưng không được kiểm soát tốt…

“Còn nguyên nhân hiện hữu trực tiếp hằng ngày là ý thức phòng cháy chữa cháy, sự bất cẩn trong sinh hoạt, trong công việc trong quản lý nguồn nhiệt… của một bộ phận người đang sử dụng, vận hành cơ sở, địa điểm, công trình dẫn tới cháy nổ”, bà Khuyên cho hay.

Trong vụ việc này, theo luật sư Khuyên, bước đầu cơ quan chức năng sẽ tổ chức khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ để xác định nguyên nhân của vụ cháy, xác định trách nhiệm của các bên liên quan.

“Cơ quan điều tra sẽ xem công trình nhà ở riêng lẻ này do ai làm chủ sở hữu, sử dụng vào mục đích gì; trong căn nhà có được trang bị đầy đủ hệ thống phòng cháy chữa cháy không; tại thời điểm cháy nếu có hệ thống phòng cháy chữa cháy thì hệ thống này có hoạt động không; thời điểm cháy có ai phát hiện và ứng cứu kịp thời không…”, luật sư Khuyên nói.

Trưởng Văn phòng luật sư Nhân Chính cho rằng trách nhiệm sẽ thuộc về chủ sở hữu công trình nhà ở này. Sai phạm có thể là công trình đưa vào sử dụng không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy, hoặc cơ quan chức năng đã khuyến cáo nguy cơ cháy nổ nhưng chủ sở hữu không khắc phục và vẫn tiếp tục cho các bên thuê, tiếp tục kinh doanh khi không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy.
Ai chịu trách nhiệm trong vụ cháy 14 người chết ở Hà Nội? - 2Khu vực xảy ra hỏa hoạn (Ảnh: Ngọc Tân).

Đồng quan điểm với bà Khuyên, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chủ sở hữu công trình vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo luật sư Đồng, với hậu quả là 14 người chết, người vi phạm sẽ phải đối mặt khung hình phạt từ 7 năm đến 12 năm tù.

Ngoài trách nhiệm hình sự, luật sư Đồng cho hay, người vi phạm còn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường cho gia đình các nạn nhân bị thiệt mạng, bồi thường cho các nạn nhân bị thương theo quy định tại Điều 590, 591 Bộ luật Dân sự năm 2015.