Ngôi sao điện ảnh nức tiếng một thời
NSND Trà Giang tên đầy đủ là Nguyễn Thị Trà Giang, sinh năm 1942 ở Phan Thiết, Bình Thuận. Gia đình có truyền thống nghệ thuật, bố là NSƯT, nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh nên từ sớm bà đã được bố hướng đi theo con đường nghệ thuật.
Năm 1959, NSND Trà Giang thi đỗ trường múa nhưng sau đó theo học trường Điện ảnh Việt Nam theo định hướng của bố. Bà là sinh viên khóa đầu tiên của trường cùng thời với Phi Nga, Thụy Vân, Lâm Tới, Tuệ Minh, Thế Anh, Lịch Du, Minh Đức… Năm 1962, sau khi tốt nghiệp, Trà Giang về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam.
NSND Trà Giang thời trẻ
Bộ phim đầu tiên bà tham gia có tên Một ngày đầu thu. Đến năm 1963, Trà Giang đóng vai chính trong phim Chị Tư Hậu. Chính bộ phim này đã mang về cho nữ diễn viên huy chương bạc tại Liên hoan Phim Quốc tế Moskva năm 1963, giúp Trà Giang trở thành nữ diễn viên đầu tiên đạt giải thưởng quốc tế.
Năm 1972, Trà Giang hợp tác đạo diễn Hải Ninh trong bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Bà vào vai chính Dịu. Nhờ vai diễn này, nữ NSND đã giành được giải diễn viên nữ xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Quốc tế Moskva năm 1973. Bà còn tham gia hàng loạt những bộ phim nổi tiếng giai đoạn 1960 – 1980 như: Làng nổi, Lửa rừng, Cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn, Bài ca ra trận, Em bé Hà Nội, Mối tình đầu (1977),…
Vai diễn Tư Hậu kinh điển của NSND Trà Giang
Năm 1984, Trà Giang là nữ diễn viên duy nhất được phong tặng danh hiệu NSND trong đợt phong thưởng danh hiệu đầu tiên. Bộ phim khép lại sự nghiệp diễn xuất của NSND sinh năm 1942 là Dòng sông hoa trắng ra mắt năm 1989. Sau đó bà chỉ tham gia đóng một số video và giảng dạy ở trường điện ảnh cho đến khi nghỉ hưu.
Nghệ sĩ cũng từng là ủy viên Thường vụ Hội Điện ảnh và ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ngoài ra, bà còn liên tiếp 7 lần làm thành viên Hội đồng Giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Ở độ tuổi U90, nữ nghệ sĩ vẫn tham gia một số sự kiện nghệ thuật, thời trang quảng bá văn hoá Việt Nam.
Hôn nhân êm ấm, tuổi xế chiều bình yên
NSND Trà Giang kết hôn năm 1967 với NSƯT, Giáo sư âm nhạc Nguyễn Bích Ngọc. Ông từng giữ chức Phó giám đốc Nhạc viện TP.HCM. Ít ai biết, ông cũng là em ruột nhà văn Nguyễn Thành Long, tác giả của truyện ngắn nổi tiếng Lặng lẽ Sa Pa.
“Hồi ấy tôi mới 25 tuổi, anh Ngọc 27 tuổi. Sau này tôi cảm nhận một cách sâu sắc rằng tôi gặp may khi lấy được anh ấy… Tôi đã gặp được một người chồng bao dung, độ lượng và thương vợ hết lòng”, NSND Trà Giang trong lần hiếm hoi chia sẻ về chồng.
Sau khi cưới, Trà Giang và chồng sống tại phòng dựng phim của Hãng Phim truyện Việt Nam khi bộ phận này chuyển về số 4 Thụy Khuê, Hà Nội. Năm 1973, họ chào đón con gái Bích Trà. Sau này, bà và chồng chuyển vào sống tại TP.HCM, nơi họ ở bên nhau cho đến khi NSƯT Nguyễn Bích Ngọc qua đời vào năm 1999.
Con gái duy nhất của NSND Trà Giang cũng sớm được định hướng cho đi theo con đường nghệ thuật. Dù khởi đầu với nhiều gian nan nhưng hiện tại, Bích Trà đã trở thành nghệ sĩ dương cầm, mua nhà định cư tại Anh sau 19 năm học tập và làm việc miệt mài.
NSND Trà Giang và con gái
Sau khi nghỉ đóng phim từ thập niên 1990, Trà Giang thử sức trong lĩnh vực hội họa và đã có triển lãm tranh vào năm 2004 tại TP.HCM. Hiện tại, NSND Trà Giang sống một mình nhưng vẫn mãn nguyện khi đắm chìm trong niềm vui hội họa. Bà cho biết, ở tuổi 80, bà tự chăm sóc bản thân và dành phần lớn thời gian để vẽ tranh. Niềm đam mê hội họa giúp bà không cảm thấy cô đơn.
“Con gái tôi dù ở xa nhưng luôn đồng hành, bên cạnh đó tôi luôn có những người bạn thân thiết. Với tình yêu nghệ thuật và sự lạc quan tôi vẫn luôn luôn sống một cách khỏe mạnh, hạnh phúc. Tôi cũng rất nhớ màn ảnh, nhớ những người đồng nghiệp đã cùng làm những bộ phim cùng mình và rất yêu những nghệ sĩ trẻ bây giờ”, NSND Trà Giang chia sẻ.
Niềm đam mê tuổi xế chiều của nữ NSND