Nhi, bạn thân và cũng từng là đồng nghiệp thân thiết 5 năm trước của tôi, có cuộc sống rất giàu có. Cô ấy có được sự hậu thuẫn tốt từ gia đình nên khi học đại học hay đi làm, vẫn luôn thể hiện lối sống sang chảnh. Lấy chồng rồi, đời Nhi càng lên hương vì chồng cô ấy làm thư ký giám đốc công ty du lịch, mức lương hơn 40 triệu đồng. Mỗi lần kể về chồng, ánh mắt Nhi càng lấp lánh hãnh diện, tự hào.

Sau đó, Nhi nghỉ làm ở công ty chúng tôi. Tôi cản, bảo dù thế nào thì Nhi cũng đừng nghỉ việc, sau này xin việc càng khó khăn hơn. Cô ấy vỗ ngực bảo làm công ăn lương như thế này thì biết khi nào giàu có được, phải tập làm chủ, phải kinh doanh thì may ra mới nhanh chóng trở thành đại gia. Rồi Nhi kể chuyện chồng mình đã nghỉ làm, đang chuyển sang đầu tư chứng khoán và bất động sản. Mỗi tháng, anh ấy đem về cho vợ 200-300 triệu là chuyện thường tình. Nhi có thể đi mua đồ không cần nhìn giá, thích là mua, bất kể có cần hay không? Vợ chồng Nhi cũng xây nhà mới, mua xe ô tô, đi du lịch trong và ngoài nước, cuộc sống mà tôi không thể mơ mộng tới.

Sau khi Nhi nghỉ việc, chúng tôi ít liên lạc với nhau hơn. Tôi cũng chuyển công ty tốt hơn, phát triển sự nghiệp, cuộc sống cũng dần sung túc, thoải mái hơn. Có lần, Nhi gọi điện hỏi vay tôi 50 triệu, tôi cũng gửi tiền cho vay và đúng một tuần sau thì cô ấy chuyển khoản trả lại. Rồi tôi biết chuyện Nhi có bầu đứa con thứ 3, cuộc sống dần khó khăn hơn chứ không còn rủng rỉnh, giàu có như trước nữa.

Hôm qua, tôi đến nhà sếp dự tiệc thôi nôi cháu sếp. Không ngờ, tôi lại gặp Nhi ở đây, trong vai trò là người giúp việc theo giờ. Thấy Nhi, tôi sửng sốt, không thể nào ngờ đến cô bạn thân từng giàu có, đi xe ô tô, dùng túi xách xịn vài triệu hay bộ quần áo hàng hiệu, bây giờ lại phải mặc tạp dề, nấu nướng, dọn dẹp trong bếp.

Gặp lại bạn thân giàu có sau 5 năm, tôi sửng sốt khi biết cô ấy làm giúp việc, càng khó tin với câu chuyện về 20 tỷ đồng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thấy tôi đến, Nhi cũng bất ngờ rồi cúi mặt, không dám nhìn thẳng tôi. Tôi phải đợi tan tiệc, khách mời về hết mới có cơ hội để trò chuyện riêng với cô ấy. Tôi rủ Nhi đi quán cà phê cho thoải mái mà cô ấy không chịu, cứ bảo sợ tốn tiền, đi công viên ngồi cũng mát mẻ rồi.

Nhi tâm sự cuộc sống trong 5 năm nghỉ việc cho tôi hay. Chồng cô ấy ban đầu làm đâu thắng đó nên sinh tính chủ quan, kiêu ngạo. Dần dần, chứng khoán trên đà giảm, bất động sản đóng băng cũng là lúc kinh tế trong nhà Nhi sụp đổ. Chồng Nhi vì muốn “bù lỗ” và có tư tưởng làm giàu nhanh nên lại tiếp tục đem sổ đỏ gia đình, sổ đỏ bố mẹ ruột và bố mẹ vợ thế chấp ngân hàng. Anh ấy còn vay tiền bạn bè khắp nơi để đầu tư, bất chấp lời khuyên can của vợ. Cuối cùng, vợ chồng Nhi phá sản, nợ đến 20 tỷ đồng, một số tiền quá lớn. “Dù có bán hết nhà cửa thì cũng không đủ trả nợ. Hiện giờ, mình đi làm nhân viên hành chính, lương tháng bèo bọt quá nên phải xin làm giúp việc theo giờ. Mức lương hơn 12 triệu của mình là để chi tiêu cho gia đình 7 người, trong đó có 3 đứa trẻ và 2 người già. Lâu lắm rồi mình còn chẳng có một đêm nào ngủ ngon giấc hay một bữa ăn nào ngon miệng đúng nghĩa. Cứ nghĩ đến tiền mà mình lại điên đầu óc lên. Mỗi tháng, trả tiền lãi đã là một con số khủng khiếp rồi”.

Chồng Nhi vẫn cứ lông bông, không chịu đi làm lại dù công ty cũ có lời mời với mức lương 20 triệu/tháng. Nhi thở dài, tự hỏi tại sao lại rơi vào đường cùng như thế này? Tôi nghe chuyện của Nhi mà không biết phải đưa ra lời khuyên như thế nào cho đúng đắn. Hiện tại, công ty tôi làm vẫn đang thiếu nhân sự, mức lương cũng ổn hơn 2 công việc mà Nhi đang làm hiện tại. Tôi có nên giới thiệu Nhi vào làm cùng, coi như một cách giúp đỡ cô ấy không?