Hôm đến nhà con trai ăn cơm, trên đường đi tôi mường tượng ra nhiều tình huống có thể xảy ra.

Chuông reo đột ngột làm gián đoạn công việc tôi đang làm trong bếp. Tôi lau tay, bình tĩnh bước vào phòng khách, cầm điện thoại lên nghe.

– Mẹ ơi, là con Vũ đây.

Một giọng nói vừa quen thuộc vừa xa lạ phát ra từ đầu dây bên kia. Là con trai tôi. Hít một hơi thật sâu, tôi hỏi con trai gọi cho mình có việc gì.

– Mẹ, con muốn mời mẹ đến nhà con dùng bữa, có được không?

Giọng điệu của con trai có chút do dự. Bàn tay cầm điện thoại của tôi khẽ run lên, khóe mắt vô thức ươn ướt. Trong 20 năm, đây là lần đầu tiên con trai mời tôi đến nhà ăn cơm. Tôi kìm nén niềm vui, cố gắng trở lời bằng giọng điệu bình tĩnh:

– Được, khi nào con?

Sau khi cúp điện thoại, tôi ngồi trên ghế sofa hồi lâu không thể bình tĩnh lại. Ký ức ùa về, 20 năm xa cách, nhớ nhung, đau đớn lúc này dường như thật nhẹ nhàng. Tôi nghĩ rằng có lẽ đây là cơ hội trời ban cho tôi để hàn gắn mối quan hệ với con trai mình.

Hôm đến nhà con trai ăn cơm, trên đường đi tôi mường tượng ra nhiều tình huống có thể xảy ra. Liệu con trai có ôm tôi thật nồng nhiệt không? Thái độ của vợ nó sẽ thế nào? Chúng tôi có thể trò chuyện như một người mẹ và một người con trai như bình thường không? Những câu hỏi này cứ chạy quanh tâm trí tôi.

Cách đây không lâu, con trai đã gọi điện mời tôi tới ăn cơm. (Ảnh minh họa)

Cách đây không lâu, con trai đã gọi điện mời tôi tới ăn cơm. (Ảnh minh họa)

Cuối cùng tôi đã đứng trước cửa nhà con trai. Cánh cửa mở ra, con trai và vợ nó lịch sự mời tôi vào nhà. Bước vào trong, tôi đưa mắt nhìn quanh. Trên bàn ăn bày ra mấy món ăn, chắc là do con dâu nấu. Định khen vài câu nhưng lời chưa kịp thốt ra đã bị nuốt vào trong, vì tôi quá sốc trước cảnh tượng trong phòng ngủ.

Có một người nằm trên giường, cuộn tròn như quả bóng, quay lưng về phía chúng tôi. Bóng lưng đó quá quen thuộc với tôi.

– Vũ, đây là….

Tôi chỉ tay vào trong phòng ngủ, giọng run run hỏi con. Con thở dài, kéo tôi ngồi xuống ghế nói chuyện:

– Là bố đó mẹ. Ông ấy bị đột quỵ cách đây không lâu, bây giờ không thể tự chăm sóc bản thân được. Con và vợ rất vất vả khi chăm ông ấy, cho nên…

Tôi chợt hiểu ý định thực sự của con trai khi mời mẹ đến đây. Trong lòng lạnh buốt, nhưng tôi buộc mình phải bình tĩnh, hỏi lại con:

– Vậy là anh muốn tôi chăm sóc ông ấy à?

Con trai cúi đầu, trầm mặc một hồi mới nói:

– Mẹ, con biết yêu cầu này là quá đáng. Nhưng bây giờ bố thực sự cần người chăm sóc, vợ chồng con còn phải làm việc, cho nên chúng con rất bận. Con nghĩ, có lẽ mẹ có thể tái hôn với bố.

Tôi kinh ngạc nhìn con, nhất thời không biết phải nói gì. Ký ức 20 năm trước ùa về trong tâm trí.

Tôi và chồng cũ từng có một gia đình hạnh phúc với 2 con, một gái và một trai. Thế nhưng khi con trai được 5 tuổi, anh ta ngoại tình. Ban đầu tôi đã chọn tha thứ, hy vọng cứu vãn được cuộc hôn nhân này. Nhưng sự vị tha của tôi chỉ đổi lại được sự quá quắt của chồng.

Tới khi anh ta ngang nhiên đưa nhân tình về nhà, tôi đã ly hôn. Lúc đó điều kiện tài chính của tôi có hạn nên tôi chỉ được nuôi một đứa con. Tôi nuôi con gái, còn con trai do chồng nuôi dưỡng.

Sau khi ly hôn, mỗi lần tôi muốn đến thăm con trai đều bị gia đình chồng cũ ngăn cản bằng mọi cách. Điều khiến tôi đau lòng hơn nữa là chồng cũ và bố mẹ anh ta đã nói dối con trai rằng, tôi đã bỏ rơi bố con nó. Chính vì thế, thái độ của con trai đối với tôi ngày càng lạnh lùng, thậm chí là thù địch.

Mặc dù vậy, tôi chưa bao giờ từ bỏ nỗ lực cải thiện mối quan hệ của mình với con trai. Khi con học đại học, tôi đã gửi cho nó một số tiền học phí lớn. Khi con kết hôn, tôi cho một món quà lớn. Nhưng, những nỗ lực của tôi đều như muối bỏ biển, con trai vẫn thờ ơ với tôi như vậy.

Năm xưa khi chồng ngoại tình, tôi đã dứt khoát ly hôn. (Ảnh minh họa)

Năm xưa khi chồng ngoại tình, tôi đã dứt khoát ly hôn. (Ảnh minh họa)

Ký ức đột nhiên dừng lại. Tôi hít một hơi thật sâu, bình tĩnh nói:

– Con có thể nói cho mẹ biết tại sao con đột nhiên nghĩ đến việc để mẹ chăm sóc bố con không?

Con trai lúng túng nói:

– Mẹ, con và vợ thật sự rất bận, chúng con đều phải đi làm, không có thời gian chăm sóc bố. Hơn nữa, thuê người chăm sóc người bệnh tốn rất nhiều tiền, chúng con đang gặp khó khăn về kinh tế. Con nghĩ, bố mẹ dù gì cũng từng là vợ chồng, không còn tình cũng còn nghĩa, đúng không mẹ?

Tôi cười khổ:

– Con nghĩ mẹ có nghĩa vụ phải chăm sóc người đã bỏ rơi mẹ, làm tổn thương mẹ sao?

Con trai lớn giọng nói:

– Mẹ, sao mẹ có thể nói như vậy? Là mẹ đã bỏ rơi bố và con. Nếu không phải mẹ nhất quyết đòi ly hôn, sao gia đình mình lại có thể như thế này?

Tôi rùng mình, cảm thấy nhói trong lòng. Hóa ra đã nhiều năm như vậy, con trai vẫn tin vào lời nói dối của bố. Tôi hít một hơi thật sâu, cố gắng giải thích rằng chồng cũ đã phản bội gia đình nên tôi mới ly hôn nhưng con trai không nghe. Thậm chí, con trai còn nhấn mạnh tôi phải có trách nhiệm chăm sóc chồng cũ.

Lòng tôi đóng băng, thẳng thắn từ chối đề nghị của con trai mặc cho con trách tôi ích kỷ. Sau đó tôi kiên quyết rời đi. Trong lòng tuy đau đớn nhưng tôi nghĩ mình đã làm đúng, và tôi sẽ không hối hận với quyết định này.