Ở làng tôi có lệ không có nhà nào chia đất cát, nhà cửa thừa kế cho con gái vì lấy chồng sẽ hưởng phần theo nhà chồng.

Tôi sinh ra và lớn lên ở một ngôi làm thuộc vùng ngoại thành Hà Nội. Ở đâu không biết nhưng ở làng tôi, từ xưa đến nay, hầu như không có nhà nào chia đất cát, nhà cửa cho con gái. Nếu có cho thì cũng là do nhà chồng của con gái quá khó khăn nên bố mẹ mới cắt cho một ít để làm nhà.

Còn lại, giống như một luật bất thành văn, con gái cứ về nhà chồng là sẽ được hưởng phần theo chồng. Nhà ai cũng vậy, nên cứ ai có nhiều con trai là lại phải lo toát mồ hôi vì chuyện đất cát sau này. Có lẽ cùng vì thuận theo nếp sống đó nên gần như tôi không thấy có vụ tranh chấp đất đai nào giữa con trai và con gái. Đơn giản vì phận con gái chẳng bao giờ có phần thừa kế.

Vài năm trở lại đây, cũng có vài nhà bắt đầu thay đổi suy nghĩ, cũng chia thừa kế cho cả con gái. Cũng một phần vì bây giờ người ta sinh ít con hơn nên cũng dễ chia hơn. Tuy nhiên, con gái thường được chia phần thừa kế ít hơn con trai khá nhiều. Con gái cũng hay được bố mẹ cho tiền hơn là chia nhà cửa, đất đai.

Không có mô tả ảnh.

Còn việc chăm sóc bố mẹ thì cơ bản vẫn là các cụ ở với con trai hoặc ở một mình. Nếu có ở với con gái thì cũng là vì giúp con chăm cháu là chính và cũng phải được sự đồng thuận của mọi người. Nhưng đến cuối đời, hầu như họ vẫn phải về với con trai khi đã già yếu. Thậm chí, họ ở với con dâu, cháu trai khi con trai qua đời trước.

Còn con gái chỉ chạy qua, chạy lại, có đồng quà, tấm bánh hoặc giàu có thì có thể chu cấp tiền để phụ giúp nuôi bố mẹ già. Nói chung là quan hệ có qua có lại. Con gái người ta lo việc nhà mình thì con gái nhà mình lo việc nhà người ta. Chắc cũng vì nếp suy nghĩ như vậy nên chuyện thừa kế ít có phần cho phận nữ nhi.