Nếu còn về quê nhiều lần, dưới sức ép của mọi người, một ngày nào đó tôi sẽ bị “tẩy não” cực mạnh.

Mẹ tôi nói rằng: “Đàn ông ly hôn thì đã sao, người ta vẫn trẻ lại còn giàu nữa, mẹ thấy cũng được đấy chứ”.

Bà bảo tôi năm nay 28 tuổi rồi mà vẫn không có bạn trai, hàng xóm nói ra nói vào, nhỡ sau này lớn tuổi rồi thì sinh con sẽ rất khó khăn. Tôi rất khó chịu, hàng xóm thích nói gì thì mặc kệ cho người ta nói đi, cuộc sống của tôi đâu có cần họ sống hộ, sinh con cũng là quyền tự chọn của người phụ nữ chứ đâu phải nghĩa vụ bắt buộc.

Khác biệt thế hệ

Suy nghĩ của tôi và mẹ khác nhau, có lẽ là do khác biệt tư tưởng thời đại. Tôi sinh ra ở vùng nông thôn, 18 tuổi thì vào thành phố học đại học, tốt nghiệp xong cũng không về quê mà ở lại thành phố làm việc, cứ thế 10 năm xa quê.

Mẹ tôi theo quan niệm truyền thống, bà muốn tôi học xong thì về quê tìm một công việc ổn định, sớm lấy chồng sinh con. Còn tôi, tiếp xúc với cuộc sống mới, tôi lại muốn trở thành một người phụ nữ độc lập, có bản lĩnh, có sự nghiệp cho riêng mình. Mẹ tôi cứ mở miệng ra là giục tôi con gái phải thế này thế kia, sinh con là quan trọng nhất, muốn tôi mau chóng ổn định cuộc sống, thi công chức như chị họ, làm giáo viên như em họ, như thế thì cuộc sống mới hạnh phúc.

Tôi lại chỉ thích nghe và tìm hiểu những câu chuyện về những người phụ nữ làm chủ, có thể tự mình làm nên nghiệp lớn, gia đình không phải nơi quay về duy nhất của một người phụ nữ. Tư tưởng lạc hậu của mẹ tôi nên sớm được cắt bỏ đi mới phải. Thế nên, những cuộc nói chuyện của tôi và mẹ không bao giờ kết thúc trong sự tốt đẹp. Giống như việc hai mẹ con tôi cùng ở trong một cái giếng, nhưng có một ngày tôi bám được vào dây thừng, leo ra khỏi giếng, được ngắm nhìn bầu trời rực rỡ sắc màu bên ngoài. Còn mẹ tôi vẫn ở lại trong giếng, mẹ bảo tôi ở đây thoải mái lắm, con quay về đi. Đầu óc tôi có vấn đề đâu mà quay trở lại cái giếng, quay lại giếng thì công mẹ nuôi tôi ăn học chừng ấy năm trở thành công cốc hết rồi.

Nếu như tôi chỉ tốt nghiệp cấp 1, ở quê làm công nhân thì có lẽ tôi sẽ sống theo ý muốn của mẹ. Nhưng không, lúc còn nhỏ mẹ nói với tôi phải học hành chăm chỉ, thi đỗ đại học mới vẻ vang được. Bây giờ đang đúng lúc vẻ vang, mẹ lại bảo tôi quay về cuộc sống như trước kia, làm sao tôi nghe theo được? Mẹ nói học hành thay đổi số phận, giờ tôi đang thay đổi, mẹ lại ngáng chân tôi, sao có thể thế được?

Mỗi lần tôi về quê, mẹ đều đưa người lạ tới ăn cơm, tôi thừa biết mục đích của bà nhưng vẫn làm căng đuổi thẳng cổ họ đi - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Người mẹ tự hạ thấp con gái mình, giới thiệu cho con những người một lần đò

Lúc học đại học, tôi có người yêu. Tốt nghiệp xong, chúng tôi ở lại thành phố làm việc, thuê một căn phòng để ở chung. Lúc mẹ biết tôi sống chung với bạn trai, mẹ mắng tôi một trận té tát, còn bắt tôi chuyển ra ngoài ở một mình. Tất nhiên là tôi không đồng ý, thế nhưng không lâu sau đó, bạn trai đề nghị chia tay, khiến tôi đến bây giờ vẫn nghi ngờ rằng chính mẹ là người ép bạn trai tôi phải làm vậy.

Lúc chia tay, tôi mơ mơ màng màng không hiểu chuyện gì xảy ra, bạn trai tôi chỉ nói anh mệt rồi, không muốn tiếp tục nữa. Tôi về nhà hỏi mẹ, mẹ không khẳng định cũng chẳng phủ định, chỉ bảo sống chung cùng bạn trai thì không có tương lai, chia tay rồi thì tốt. Thực ra, “không có tương lai” trong mắt mẹ tôi chính là điều kiện gia đình hai chúng tôi tương đương nhau, sau này kết hôn nhà trai không mua nổi nhà trong thành phố.