Tôi biết bà thông gia là người khó tính nhưng không nghĩ bà lại thẳng thắn đến vậy.

Không biết gì nhiều về công nghệ nên tôi nhờ đứa cháu họ đánh máy, trút bầu tâm sự vì cũng không biết kể cùng ai. Kể không đúng người lại ảnh hưởng tới hạnh phúc của con gái mình.

Nhà tôi làm nông nghiệp ngoại ô thành phố, có vài mẫu ruộng và cũng có 1 con trâu nuôi để lấy giống và thỉnh thoảng vào vụ thì cày bừa. Cuộc sống thôn quê yên bình, chẳng đụng chạm tới ai và cũng không muốn làm mất lòng ai cả. Thế nhưng từ ngày con gái lấy được chồng thành phố, tôi thấy mình rước bực vào người cũng chỉ vì mang mác “nhà quê”.

Cháu nhà tôi “thoát nghèo” ở quê, đi học rồi đi làm, lấy được chồng trên phố cũng không quá giàu nhưng nhà người ta có nhà 4 tầng mà lại chỉ có 1 con trai. Bà thông gia thì có phần khó tính, nghe con gái kể cũng phải mất một thời gian dài lấy lòng bà, hai đứa mới được về ở với nhau.

Ảnh minh họa

Sau khi cưới, chúng nó chưa có kinh tế nên sống chung trong căn nhà 4 tầng với bố mẹ chồng. Rén bà thông gia nên tôi cũng ít khi lên phố thăm chúng nó lắm, chỉ khi nào nó về quê thì mẹ con mới được gặp nhau. Thế nhưng tháng trước, con gái tôi đẻ, được thằng cu rõ kháu khỉnh nên bà thông gia cũng cưng lắm, bà giữ gìn cháu nên tôi cũng mừng vì dù sao con gái, cháu ngoại mình cũng được người ta quý.

Vì vậy, khi con gái còn chưa đẻ, bà đã đánh tiếng không cho người khác đến thăm cháu sơ sinh vì sợ ảnh hưởng, “người nhà cũng không nhé” – con gái tôi nói vậy. Biết ý nên tôi cũng không dám lên thăm con gái ngày nó đẻ, thỉnh thoảng chỉ điện thoại video call để trò chuyện với con gái, dặn dò nó đủ điều rồi nhờ vả bà thông gia chăm sóc. Bản thân lấy lí do bận việc đồng áng nên chưa lên chăm sóc cháu được. Bà thông gia không trách mà còn mừng ra mặt:

– Ôi không cần phải lên đâu bà, trên này nhà tôi không thiếu gì cả, lên chật nhà chứ có làm được gì đâu.

Khá chạnh lòng vì câu nói của bà thông gia nhưng tôi cũng chỉ biết nghĩ trong bụng chứ không dám nói ra, sợ con gái buồn. Thế nhưng gần đầy tháng cháu ngoại, tôi nhớ con nhớ cháu nên đánh bụng làm liều, khăn gói quả mướp từ quê lên thăm.

Nói là quê nhưng nhà tôi cũng chỉ cách nhà con gái 20 cây số nên đi đường cũng khá nhanh. Lên tới nhà chồng nó mới 7h sáng, họ còn chưa mở cửa nhà, sợ phiền nên đành ngồi trước cửa để đợi. Đợi đến 8h thì bà thông gia bỗng mở cửa. Bà khá bất ngờ khi nhìn thấy tôi nhưng cũng không niềm nở. Tôi mở miệng nói trước cho đỡ ngại:

– Chào bà, tôi lên thăm cháu mà tới sớm quá, sợ phiền bà nên ngồi ngoài này chờ. May quá bà đã dậy đó hả?

Ảnh minh họa

Bà thông gia cười mỉm, gật đầu một cái rồi nhìn quanh tôi, bà nói:

– Vất vả bà thông gia quá, đúng là con cái là cái cục nợ của bố mẹ mà. Bà đã già, nhà nhiều việc mà lại còn phải lên đây thăm con thăm cháu. Mà sao bà mang thứ gì lên kia, ở trên này người ta ăn toàn đồ sạch thôi, mấy đồ cấy dưới ao sâu, ruộng bùn toàn thuốc ra đó.

Tôi vội nói:

– Không không, đây toàn là đồ em tự trồng tự cấy tự tay vun trồng đảm bảo lắm bà ạ.

Bà ấy không nói gì rồi ra hiệu tay cho tôi vào nhà. Những tưởng từng đó đã khiến người khác cũng phải bực chứ chưa nói tôi, người hơn bà ta cả chục tuổi chứ có phải tuổi con bà ta đâu, thì đang đi vào, bà ta đứng khựng lại nói gấp như vừa nghĩ ra:

– Ơ nhưng bà đã tắm rửa chưa. Mùi phân trâu mỗi lần tôi về quê tôi sợ lắm, mất vệ sinh thế sợ ảnh hưởng đến cháu, nó mà nhiễm khuẩn ra đấy thì làm sao? Rồi bà vừa đi đường xa nữa, bao nhiêu bụi bẩn, vi khuẩn… thôi thôi, bà vào nhà vệ sinh thay quần áo, rửa chân tay nhé.

Tôi chỉ biết nín nhịn, vâng vâng cho qua chuyện chứ trong lòng bực lắm rồi. Đúng là “thương con thì ngon mọi sự”. Suốt buổi thăm con gái, tôi cũng chỉ dám bế cháu 1 tí, vuốt ve con gái, dặn dò vài thứ rồi xin phép ra về. Bà thông gia cũng chẳng có nhã ý mời ở lại lâu hơn nên tôi không ở lại, sợ ảnh hưởng gia đình chúng.

Ảnh minh họa

Thế nhưng suốt mấy hôm nay tôi cũng cảm thấy lo lắng, áy náy vì lo sợ bản thân mang nhiều vi khuẩn lại hại cho sức khỏe của cháu mới sinh.

Tâm sự từ độc giả baochauanh…@gmai.com

 

Trên thực tế trẻ sơ sinh còn non nớt nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi những vi khuẩn, vi rút gây bệnh. Vì thế những lo lắng của người bà dành cho cháu của mình cũng có cơ sở căn cứ. Do đó, để đảm bảo an toàn cho các bé, người lớn nên vệ sinh cơ thể, quần áo sạch sẽ trước khi lại gần và bế trẻ sơ sinh để trẻ không lây bệnh.

Bên cạnh đó, có 4 kiểu người nên hạn chế đến gần trẻ sơ sinh, cha mẹ nên nhớ:

1. Những người hút thuốc lá và uống rượu

Những người hay hút thuốc chắc chắn có mùi khói thuốc lá lưu lại trên người, bám vào quần áo, đầu tóc họ. Và chính mùi thuốc lá ấy sẽ khiến em bé cảm thấy khó thở. Đó là mối nguy hiểm đối với em bé, cho dù với người lớn thì mùi thuốc lá dường như không phải chuyện gì quá to tát.

Tương tự với những người uống rượu, khứu giác của bé rất nhạy cảm, đồng thời cũng yếu ớt hơn người lớn. Những thứ mùi khó chịu này sẽ khiến bé không thoải mái.

Có rất nhiều người hút thuốc hoặc có thói quen uống rượu xung quanh chúng ta, vì thế việc ngăn không cho họ bế em bé dường như là vấn đề khá khó khăn. Tuy nhiên, vì sức khỏe của con mình, đặc biệt là khi con vừa chào đời, cha mẹ hãy cứng rắn và kiên quyết hơn nhé!

2. Người ốm bệnh

Sức đề kháng của trẻ sơ sinh vô cùng kém, vì thế cha mẹ cần hạn chế tối đa việc con tiếp xúc với mầm bệnh. Người đang ốm chính là một trong những nguồn lây bệnh, dễ dàng truyền bệnh cho bé. Thậm chí một số căn bệnh nguy hiểm còn có thể để lại di chứng cả đời đứa trẻ, nặng hơn là đe dọa tính mạng của bé.

Do đó, cha mẹ tuyệt đối không được để người đang bị bệnh bế em bé nhà mình.

3. Người vụng về hoặc tay chân có khuyết tật

Một em bé chỉ nặng vài kg nhưng việc bế ẵm chúng lại không hề dễ dàng đối với một số đối tượng. Ví dụ như những người vụng về và những người có khuyết tật ở tay chân.

Hai nhóm đối tượng này có khả năng cao sẽ làm trẻ bị rơi ngã. Với một em bé sơ sinh đặc biệt nhỏ yếu, nếu chẳng may bị ngã sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, có khi là ảnh hưởng đến tính mạng.

4. Trẻ em

Nhiều gia đình có 2 con thường để con lớn bế ẵm hoặc trông em giúp mẹ. Dẫu điều đó có lợi cho sự gắn kết tình cảm giữa 2 đứa trẻ nhưng cha mẹ cần nhớ, trẻ em có sức lực và tầm hiểu biết còn hạn chế. Bé có thể làm ngã em hoặc gây ra nguy hiểm cho em bé mà trẻ không ý thức hết được.

Nếu bé lớn thích bế em, bạn chỉ nên để con ngồi ngay ngắn một chỗ, sau đó thử bế em bé dưới sự giám sát chặt chẽ của mình. Cha mẹ chú ý không bao giờ được để 2 con chơi riêng với nhau mà không có người lớn ở cạnh.