Điều mà Mai hối tiếc nhất cho đến nay là lúc kết hôn, đã mang hết số tiền bố mẹ mình vất vả tích cóp cả đời để mua nhà tân hôn, sau đó còn cho bố mẹ chồng đến ở.
Nhiều người nói dù tình cảm vợ chồng tốt đẹp đến đâu thì mối quan hệ mẹ chồng – con dâu vẫn luôn là rào cản trong hôn nhân. Không thể hòa giải thì từ đó gia đình lục đục, thậm chí ly hôn. Còn nếu vượt qua được thì gia đình hòa thuận, quý trọng nhau như khách.
Trên thực tế, một người mẹ chồng hiểu lý lẽ sẽ thương con dâu, dù không cùng huyết thống, cũng sẽ không đối xử tệ với con dâu.
Còn mẹ chồng kiêu ngạo, ương ngạnh, mượn danh nghĩa người lớn trong nhà mà chèn ép con dâu sẽ chỉ đẩy con dâu đi vào vết xe đổ của chính mình, nếm đủ mọi loại khổ sở của chuyện làm dâu.
01. Tự bỏ tiền mua nhà tân hôn, cho bố mẹ chồng đến ở
Điều mà Mai hối tiếc nhất cho đến nay là lúc kết hôn, đã mang hết số tiền bố mẹ mình vất vả tích cóp cả đời để mua nhà tân hôn, sau đó còn cho bố mẹ chồng đến ở. Cô nghĩ bản thân lấy phải người chồng nghèo khó thì gia đình chồng đáng lẽ nên thấy biết ơn và trân trọng những gì cô đã cống hiến, hy sinh vì họ. Nhưng không!
Sau kết hôn, cuối cùng Mai cũng hiểu được cảm giác buồn khổ khi có một cuộc hôn nhân sai lầm. Nhưng bởi vì lúc ấy đang mang thai, giờ uống thuốc hối hận cũng đã muộn.
Với lý do Mai đang mang bầu và chuẩn bị sinh con, cần người chăm sóc nên chồng cô đã tự ý đưa bố mẹ chồng về ở chung mà không được sự đồng ý của vợ. Mai, người chưa từng ở cùng bố mẹ chồng, cảm thấy khó chấp nhận khi có hai người “lạ” đột nhiên được thêm vào gia đình mình, thậm chí đó có là bố mẹ chồng đi nữa.
Nhưng người chồng nói rất hay, bố mẹ chồng cũng tỏ ra kiên quyết rằng họ đến nhà con trai là để hầu hạ con dâu và chăm cháu, sẽ không can thiệp vào cuộc sống của vợ chồng Mai nên cô cũng chấp nhận.
Tuy nhiên, sau khi Mai sinh con gái, dù mẹ chồng có giỏi giấu diếm đến đâu cũng không thể giấu được suy nghĩ gia trưởng của bà. Khi điều dưỡng bế đứa trẻ ra, mẹ chồng thấy đó là con gái, đã muốn quay lưng bỏ đi. Nếu không phải bố chồng kéo lại thì bà đã bỏ về quê rồi!
Lúc Mai ở cữ, mẹ chồng cũng rất chiếu lệ, không bao giờ suy nghĩ đến cảm xúc của con dâu. Mai rất buồn nên tâm sự với chồng nhiều lần nhưng anh lại nghĩ Mai “cành cao”, kiêu ngạo, coi thường mẹ chồng. Bố mẹ chồng đã không ngại xa xôi vất vả từ quê lên hầu hạ mà cô cũng không hài lòng, không thấy biết ơn. Anh rất thất vọng về vợ.
Mai trong lòng chua xót, đành thỏa hiệp, gọi điện cho bố mẹ đẻ, nhờ ông bà giúp trông cháu, có như vậy cô mới thoát cảnh một thân một mình chăm con. Không ngờ vì vậy lại làm dấy lên cảm giác… thèm ăn của mẹ chồng!
02. Mẹ chồng đói cũng không chịu tự mình vào bếp, nhất quyết đợi con dâu tan làm về nấu cơm
Khi con được 6 tháng, Mai giao con cho mẹ chồng ở nhà và đi làm. Tuy nhiên, mẹ chồng có biểu hiện cực kỳ không thiện chí, hoặc vì không thích đứa trẻ gây rắc rối, hoặc không thích Mai nhiều chuyện, tùy tình hình, bà sẽ xem xét xem có tâm trạng để trông cháu không.
Mẹ chồng mới trông cháu được 3 tháng thì đứa trẻ đổ bệnh liên tiếp ba lần. Mai không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gửi con về nhà đẻ, nhờ mẹ cô, người mới nghỉ hưu chăm giúp.
Chuyện đứa trẻ được giải quyết xong nhưng chuyện cơm nước ngày ba bữa của gia đình thì chẳng đâu vào đâu. Trước khi Mai đi làm, ngày nào cô cũng nấu ăn. Cơ bản vì chưa quen với đồ ăn mẹ chồng nấu và mẹ chồng chỉ nấu ăn theo khẩu vị của riêng bà nên thực sự rất khó ăn, Mai nuốt không trôi.
Mẹ chồng đã quen ngồi hưởng thụ nên dù Mai đã đi làm, mỗi ngày bà vẫn đợi con dâu tan sở về nấu ăn. Có những hôm Mai phải làm tăng ca về muộn, mẹ chồng lại gọi điện giục về sớm: “Cả nhà đói bụng chờ con về”.
Mẹ chồng thà để cả nhà đói chứ không chịu vào bếp, nhất quyết đợi con dâu về nấu bằng được. Điều này khiến Mai thấy khó chịu vô cùng. Cô thực sự không hiểu tại sao mẹ chồng lại đến ở nhà mình, có phải hoàn toàn là để an hưởng tuổi già? Cháu nhỏ thì không chăm sóc chu đáo, cơm nước, nhà cửa đều trông chờ vào cô, thỉnh thoảng Mai nói mẹ chồng vài câu, bà sẽ lại than thở đủ đường.
Bị mẹ chồng gọi hết điện thoại này đến lần khác, thúc giục không ngừng, không còn cách nào khác, Mai đành phải tan tầm sớm. Khi Mai về đến nhà, sắc mặt mẹ chồng liền trầm xuống, vội vàng thúc giục cô xuống bếp, nói cả nhà đều sắp chết đói đến nơi.
Mai thấy thật nực cười, cô nhất định không đồng ý để cho những kẻ lười biếng một bữa ngon lành được! Chẳng nói chẳng rằng, Mai lấy điện thoại di động ra và gọi một món ăn mang đến nhà cho mình. Khi đồ ăn được mang tới, mẹ chồng rất giận dữ mắng mỏ Mai. Mai bình tĩnh nói: “Ai muốn ăn gì thì tự vào bếp nấu, đây là đồ ăn của con”.
Tiếp tục bị mắng, Mai cuối cùng rút điện thoại, yêu cầu bố mẹ cô mang giấy chứng nhận bất động sản đến. Mẹ chồng cảm nhận có “biến” sắp xảy ra, nhẹ thì bà bị đuổi khỏi nhà, nặng thì cả bà và con trai bà đều bị tống cỏ nên trong lòng tự hiểu, hốt hoảng vội thu dọn quần áo rồi rời nhà con trai ngay trong đêm.
03. Đàn bà ngốc nhất là tự mình dán mác “osin” trong gia đình
Người phụ nữ vốn là một báu vật trong gia đình nơi cô sinh ra, được cha mẹ yêu thương, nâng niu. Nhưng về đến nhà chồng, lại luôn phải để ý đến nét mặt mẹ chồng, nhẫn nhịn, cun cút hầu hạ gia đình.
Vì vậy, điều ngu ngốc nhất của người phụ nữ là tự dán mác “osin” cho mình, mà còn là osin miễn phí.
Trước khi kết hôn, phụ nữ phải mở to mắt và nhìn cho rõ: Một người đàn ông có tốt đến đâu cũng phải xem xét thật kỹ gia đình và cha mẹ sinh ra anh ta. Chỉ khi cha mẹ của người đó tốt, như vậy mới đáng để kết hôn, bằng không gả vào nhà chồng không ra gì, sẽ chẳng khác nào nhảy vào hố lửa.