Hồi yêu nhau, tôi đã thấy chồng mình là một người đàn ông tính toán, đúng kiểu người xưa hay nói: “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”. Đi ăn, đi chơi, anh ấy chia đôi tiền sòng phẳng. Ngày lễ, sinh nhật tôi, anh ấy tặng quà nhưng kèm câu nhắc khéo về ngày sinh nhật của anh ấy. Hay đến nhà tôi chơi, mua theo giỏ trái cây, ít hải sản nhưng anh vẫn chia đôi với tôi. Lý do: “Anh chưa là con rể trong nhà nên không thể chịu thiệt được”.
Tôi tâm sự với mẹ, mẹ tôi cũng cảm thấy chàng trai này không ổn nên khuyên tôi suy nghĩ lại, đừng vội vàng kết hôn. Sau nhiều lần mâu thuẫn, tôi đề nghị chia tay, anh ấy cuống quýt níu kéo, còn hứa hẹn sau khi cưới sẽ để cho tôi quản lý tài sản trong nhà. Việc chi tiêu cũng do tôi quyết định, anh ấy không bao giờ hỏi đến chuyện tiền bạc đâu nên tôi cứ yên tâm. Để lấy lòng tin của tôi, anh ấy còn tự viết một bản cam kết, ký tên đàng hoàng. Thấy bạn trai có sự thay đổi, tôi mới đồng ý tổ chức đám cưới.
Nhưng cưới về rồi, tôi nhanh chóng phát hiện bản chất của chồng vẫn còn nguyên, không hề có sự hối cải hay thay đổi thật sự. Anh giao tiền lương cho vợ được 3 tháng đầu tiên rồi lấy lý do tôi không biết cách chi tiêu, quá hoang phí, không tiết kiệm được để đòi quyền giữ tiền. Tôi không đồng ý, vợ chồng cãi nhau suốt mấy ngày liền. Cuối cùng thống nhất là chồng sẽ đưa cho tôi một nửa lương, còn lại thì anh giữ lấy để “tiết kiệm”.
Ảnh minh họa
Được thêm nửa năm nữa, số tiền chồng đưa cho tôi ngày càng ít đi vì nhiều lý do. Dù có con nhỏ, chi tiêu nhiều nhưng anh chỉ đưa vỏn vẹn 3 triệu tiền mặt. Tôi mua đồ cho con cũng phải suy nghĩ, đắn đo. Chồng tôi còn thực hiện chính sách tiết kiệm tối đa bằng cách đi xin đồ cũ con của đồng nghiệp, đem về cho con mặc. Hay mỗi lần về ngoại, anh sẽ “bòn” mọi thứ, từ rau củ, hành tỏi đến nải chuối còn xanh hay con vịt, con gà. Ngay cả cá mẹ tôi mua để trong tủ lạnh, chồng tôi cũng ráng xin bằng được nửa con đem về nấu một bữa.
Hôm qua, mẹ chồng tôi đến chơi. Bà ở xa, nghe tin cháu ốm nên thuê taxi đến thăm. Thấy mẹ chồng mang theo nhiều đồ ăn, tôi lại thấy thương. Bà cho con tôi 2 triệu đồng để bồi bổ vì thấy thằng bé ốm quá, da dẻ xanh xao chứ không được trắng hồng hào như những đứa trẻ khác.
Tôi nhờ mẹ chồng trông con giúp mình rồi xuống bếp nấu ăn. Vốn dĩ, tôi có nấu canh chua cá lóc, thịt kho trứng nhưng chỉ đem lên bàn ăn 2 món: đĩa cà kho và bát trứng chiên. Đây là 2 món ăn còn thừa của nhà tôi từ đêm hôm trước. Chồng tôi đi làm, trưa nào cũng về nhà ăn cơm và nếu đồ ăn còn thừa từ đêm qua sẽ phải hâm nóng lại rồi tiếp tục ăn cho hết vào buổi trưa, chiều mới nấu món khác.
Chồng tôi thấy bữa cơm chỉ có 2 món ăn thừa thì sửng sốt rồi giận dữ. Anh ta hất đổ cả mâm cơm, mắng chửi tôi là đồ con dâu keo kiệt, mẹ chồng đến nhà chơi mà dám đãi thức ăn thừa? Tôi cũng sẵn tiện “lật bài ngửa” luôn: “Đây chẳng phải là yêu cầu của anh sao? Tôi chỉ đang làm đúng yêu cầu của anh thôi, anh tức giận cái gì?”. Mẹ chồng tôi hỏi mọi chuyện, tôi kể hết. Từ việc mỗi tháng anh ấy chỉ đưa cho vợ 3 triệu đồng, ăn uống tiết kiệm tối đa, tiêu dùng thứ gì cũng phải hỏi qua ý kiến của anh ấy… Ngay cả mua sữa cho con cũng phải mua sữa rẻ tiền. Tôi không đồng ý thì phải tự bỏ tiền túi ra mua sữa cho con. Đồ ăn thì không cần biết loại đó có để được qua đêm không, chồng cũng bắt ăn lại.
Mẹ chồng tôi nghe xong thì choáng váng mặt mày. Bà mắng con trai một trận nên thân và buộc anh phải đưa hết tiền lương cho vợ, công khai các khoản tiền tiết kiệm. Dù ấm ức không vui nhưng trước mệnh lệnh của mẹ, chồng tôi vẫn phải thực hiện. Tôi chỉ sợ được vài tháng, anh ấy lại chứng nào tật nấy thì tôi phải làm sao? Sống với một người chồng ki bo, đúng là bất hạnh quá.