Ban đầu tôi chỉ mong nhanh chóng hết 2 tháng cữ để về ngoại vì thấy cuộc sống quá ngột ngạt.

Khi tôi về nhà chồng làm dâu, bố anh đã mất gần chục năm trước. Nhà chỉ có mẹ và anh sống nên khá neo người. Chẳng thế mà khi có thêm con dâu về nhà, mẹ anh rất vui. Cứ tưởng bà sẽ vì thế mà yêu thương con dâu như con gái nhưng thực tế lại đối xử với tôi rất lạnh nhạt.

Mẹ chồng tôi may quần áo tại nhà nên cũng có thu nhập tốt. Nhưng có lẽ do quen được con trai chiều chuộng nên bà ghét tôi ra mặt. Đi làm cả ngày mà tôi vẫn bị bà soi mói, hoạnh họe đủ kiểu dù về nhà là luôn tay chân dọn dẹp.

Con dâu ở cữ mẹ chồng chỉ cho ăn trứng luộc. (Ảnh minh họa)

Ngay cả khi tôi bầu bí cũng không được bà thương yêu. Những tháng đầu thai nghén mệt mỏi tôi chẳng dám nghỉ ở nhà ngày nào vì thấy con dâu nôn và kén ăn, bà đã bĩu môi:

“Cô làm như cả thế gian này chỉ có mình cô ốm nghén không bằng. Ngày xưa mẹ cũng ốm nghén bằng chết vẫn phải đi làm tối mặt có được nghỉ và thoải mái như các cô bây giờ đâu”.

Từ viện về nhà ở cữ, mang tiếng là con dâu sinh đứa cháu đầu tiên nhưng bà vẫn kiếm cớ làm hàng may mệt mỏi mà chẳng bao giờ bế cũng như chăm cháu. Do anh xã phải đi làm xa tháng mới về nhà 2 lần nên trước khi đi cũng đưa bà 10 triệu để mua thức ăn cho con dâu. Bà cầm tiền nhưng chẳng thấy mua bán gì cho con dâu ở cữ ăn cả.

Bữa cơm nào mẹ chồng cũng chuẩn bị cho con dâu 3 quả trứng, 1 bát nước mắm, 1 bát cơm trắng. Hôm nào con dâu mà kêu cơm cữ quá khô là bà cho thêm 1 bát canh rau. Bà bảo:

“Ở cữ ăn uống hà tiện 1 chút, bóp mồm bóp miệng, con cũng đỡ bị xì xoẹt”.

Ăn cơm cữ không đa dạng khiến tôi cảm giác bị thiếu chất nghiêm trọng. Tôi nhiều lần ý kiến nhưng bà không thay đổi. Chỉ có những hôm chồng về nhà thì bữa đó tôi có thịt để ăn.

Lại thêm những khi anh xã về nhà thì mẹ chồng luôn tỏ vẻ thương con dâu và chăm cháu lắm. Nhưng lúc anh đã đi làm xa bà liền thay đổi thái độ ngay.

Ban đầu tôi chỉ mong nhanh chóng hết 2 tháng cữ để về ngoại vì thấy cuộc sống quá ngột ngạt. Nhưng sau đó, tôi nghĩ bản thân mình phải chủ động và cao tay trị mẹ chồng chứ không thể chấp nhận tình trạng này được.

Nghĩ thế nên tôi làm luôn. Đầu tiên là 3 bữa cơm cữ chỉ có 3 quả trứng và bát nước chấm mỗi ngày tôi đều chụp lại rồi gửi cho chồng xem với dòng tin nhắn:

“Mời chồng ăn sáng, trưa, tối”.

Ngày nào tôi cũng gửi ảnh mời chồng ăn đủ 3 bữa cơm như vậy. Chồng tôi xem được thì rất bực mình. Anh còn bảo bà chăm gái đẻ sơ sài như vậy thì cho vợ về ngoại luôn. Anh nói cứ gọi taxi phút mốt sẽ đón luôn tận cửa nhà để về ngoại luôn.

Khi thấy chồng ở xa không giải quyết được vấn đề kịp thời, tôi thích ăn gì thì bảo chồng chuyển tiền cho rồi đặt ship mua. Ngày nào tôi cũng gọi thêm đồ ăn khiến mẹ chồng tức không làm gì được. Ăn uống ở cữ tôi cũng không kiêng nữa mà ăn đa dạng các thực phẩm để mẹ khỏe con khỏe.

Khi đã chán đặt đồ ăn ngoài, tôi tự đeo găng tay xuống bếp nấu nướng mà chẳng quan tâm mẹ chồng nấu gì nữa.

Sau khi tự xử lý ổn thỏa việc ở cữ, mẹ chồng đã dần thay đổi thái độ và cho con dâu ăn uống đa dạng hơn. (Ảnh minh họa)

Tôi xác định rõ ràng và trưởng thành hơn vì biết nhiệm vụ của mẹ chồng không phải là chăm con dâu đẻ mà công việc này của chồng tôi. Nếu chồng bận thì phải thuê người, còn không có tiền tôi phải làm hết mọi việc. Vừa tự do thoải mái vừa không bị mẹ chồng kêu than là sống phụ thuộc.

Mẹ chồng tôi sau khi bị con dâu “dằn mặt” ngầm cũng dần thay đổi thái độ. Mặc dù thế, tôi vẫn đang tính vài ngày nữa hết 2 tháng cữ, tôi sẽ bế con về nhà ngoại để được ông bà chăm xóc mà nghỉ ngơi bù. Nghĩ lại những ngày đầu ở cữ ăn trứng gà triền miên ngày 3 bữa mà tôi thấy rùng mình.

Sau sinh ăn trứng gà nhiều có tốt?

Trứng gà là thực phẩm tốt, cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng, chất đạm có giá trị sinh học cao. Cho nên sau sinh, phụ nữ rất nên ăn trứng và chỉ nên ăn 1-2 quả/ngày.

Tuyệt đối không nên ăn cả ngày ba bữa chỉ toàn “cơm trắng và trứng gà” vì dễ dẫn đến tình trạng tăng cholesterol máu, đầy bụng khó tiêu. Ăn mãi một món, món ăn đơn điệu sẽ khiến mẹ sau sinh chán ăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người mẹ.

Khi mẹ bỉm ốm yếu suy dinh dưỡng thì đương nhiên ảnh hưởng đến con sơ sinh vì không có sữa để nuôi con, sức khỏe mẹ không tốt thì cũng không thể chăm sóc con được tốt. Mẹ ốm yếu, con suy dinh dưỡng thì tinh thần bị suy sụp, thậm chí ảnh hưởng đến cả hạnh phúc gia đình.

Do đó sau sinh chị em cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để bản thân khỏe mạnh, tiết nhiều sữa nuôi con để mẹ khỏe và con khỏe.